Trên thực tế, ngày nay công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Học sinh THPT tiếp cận rất nhanh với các loại thông tin như facebook, tạp chí, tin nhắn, báo mạng, truyện tranh…ngược lại, không ít học sinh ngại đọc sách giáo khoa và chưa có kĩ năng đọc sách. Nhiều câu hỏi giáo viên đưa ra không khó, chỉ cần học sinh đọc sách giáo khoa là trả lời được. Nhưng đa số các em đọc để tìm kiếm thông tin còn chậm, không chính xác và đọc chưa có mục đích rõ ràng.
Vậy làm thế nào để đọc sách có hiệu quả và giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập ?
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu đọc hiệu quả là gì ? Là người đọc có khả năng đọc chính xác, hiệu quả để có thể thu được tối đa thông tin của bài đọc và hiểu được nội dung ẩn sau chữ viết đó.
Thứ hai là làm thế nào để đọc hiệu quả ? Theo tôi, chúng ta có một số biện pháp đọc sách hiệu quả như sau:
1. Đọc phải có mục đích rõ ràng, có động cơ cao trong khi đọc
Các em nên đặt ra những câu hỏi liên quan đến bài đọc và biết chỗ nào nên đọc nhanh, đọc lướt, chỗ nào nên đọc chậm. Thường thì phần giới thiệu hay phần mở rộng, phần nội dung quen thuộc chúng ta có thể đọc nhanh hơn. Nhưng phần quan trọng, trừu tượng chúng ta có thể giảm tốc độ đọc chậm để hiểu hơn. Đặc biệt, phải ghi chú những thông tin quan trọng trong bài đọc. Đọc đến đâu, hiểu đến đó. Nếu phần nào không hiểu chúng ta nên ghi chú lại để nghiên cứu sau.
2. Tốc độ đọc
Tốc độ xử lí của mắt nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều, vì vậy để mắt đọc từng chữ là vô cùng lãng phí. Thay vì chăm chăm đọc từng chữ một trong đoạn văn, các em hãy thử đọc cả một nhóm từ cùng một lúc có liên quan chặt chẽ với nhau và hiểu được ý nghĩa của nhóm chữ ấy. Vì 40 – 60% các từ trên một trang sách không chứa các thông tin cần thiết và quan trọng. Hãy tập tìm đọc những từ khóa đó để đọc nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Sách là kho vàng tri thức của nhân loại. Nhưng đó không phải một kho vàng lộ thiên. Điều này có nghĩa là, thay vì rà soát từng con chữ, từng dấu chấm câu, chúng ta cần phải xác định: đọc để tìm kiếm những thông điệp mà cuốn sách truyền tải, không phải để thuộc lòng từng câu từng chữ. Như vậy có thể rút ngắn được thời gian đọc rất nhiều.
3. Không đọc thầm
Chúng ta bắt đầu học đọc bằng cách đọc thành tiếng. Và với phần lớn học sinh THPT vẫn giữ thói quen này, dưới hình thức đọc nhẩm trong đầu thay vì đọc thành lời như học sinh tiểu học. Để đọc nhanh, chúng ta phải loại bỏ (hoặc ít nhất là giảm thiểu) thói quen này.
4. Sử dụng “vật dẫn đường”
Mắt của chúng ta có tầm bao quát rất rộng, do vậy, nếu đọc bằng cách chỉ nhìn vào sách thì chúng ta rất dễ bị mất tập trung, thậm chí là đọc nhầm dòng. Để khắc phục việc mắt “đi hoang”, chúng ta nên tìm một “vật dẫn đường” khi đọc đó là tiêu điểm điều khiển mắt chúng ta hướng từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới. Ví dụ, khi đọc chúng ta dùng một cây bút hoặc chính ngón tay của mình di chuyển theo dòng chữ, điều này giúp không bị lạc mất dòng khi đang đọc. Ban đầu chúng ta có thể di chuyển vật dẫn đường theo dòng chữ từ trái qua phải. Sau đó, để tăng tốc độ đọc nhanh chúng ta co phần di chuyển lại. Khi đã đọc nhanh thì chúng ta chỉ đặt một điểm ở giữa dòng, hoặc đầu dòng. Từ đó, thay vì di chuyển vật dẫn đường từ trái qua phải, chúng ta chỉ cần di chuyển vật dẫn đường từ trên xuống dưới. Và tất nhiên, chúng ta sẽ đọc nhanh và đúng hơn rất nhiều.
5. Gạch chân, khoanh tròn, ghi chú ngắn
Trong quá trình đọc, chúng ta nên đánh dấu bằng cách gạch chân, khoanh tròn, ghi chú ngắn (nếu là sách của mình) hoặc ghi lại những chỗ chưa hiểu, chưa rõ ràng (dòng thứ mấy, trang nào?) để đọc lại ở các lần sau… Mỗi lần đọc như thế, chắc chắn chúng ta sẽ lại khám phá thêm được nhiều điều thú vị từ cuốn sách.
Ngoài ra, có thể đánh dấu những phần mà chúng ta cho là quan trọng có thể giúp tăng khả năng ghi nhớ những gì đã đọc.
6. Thước đo mức độ đọc hiểu của học sinh
Diễn đạt là một khả năng cần được học và rèn luyện mà đa số mọi học sinh đều làm chưa tốt. Để đánh giá mức độ đọc hiểu, chúng ta phải trả lời được những câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu của giáo viên. Học sinh trả lời bằng cách dựa vào thông tin đọc được trong sách giáo khoa để diễn đạt lại được những ý chính, trọng tâm theo cách của mình. Tránh trường hợp học sinh trả lời câu hỏi của giáo viên bằng cách đọc lại toàn bộ từng đoạn, hay từng mục trong sách giáo khoa. Đây là đọc sách giáo khoa chứ không phải trả lời câu hỏi. Nếu nội dung khó, chúng ta có thể diễn đạt, thảo luận cùng các bạn để tăng khả năng ghi nhớ và hiểu sâu.
7. Cách ghi chép
Ghi chép là một khả năng cần được học và rèn luyện mà đa số mọi học sinh đều làm chưa tốt.
Chúng ta không thể nhớ và ghi lại toàn bộ những gì chúng ta đọc. Cho nên chỉ có thể ghi lại những ý chính và bổ sung sau. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc ghi chú bằng tay có thể tăng khả năng hiểu và nhớ kiến thức cho học sinh. Ghi chép chính xác và xúc tích là điều cần thiết.
Bên cạnh đó, cần có kỹ thuật ghi nhanh. Chúng ta có thể dùng từ viết tắt, dùng ký hiệu quy ước, tạo những từ viết tắt riêng cho mình nhưng tránh thay đổi.
Cuối cùng là đọc lại những gì đã ghi chép sau buổi học.
Chúng ta hãy cố gắng luyện tập kĩ thuật đọc sách một cách chăm chỉ để giúp việc học tập dễ dàng và hiệu quả hơn nhé vì “Trên con đường đến thành công, không có dấu chân của người lười biếng.