Những năm qua, Trường THPT Hai Bà Trưng-Thạch Thất đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, khơi dậy sự sáng tạo của cán bộ -giáo viên-nhân viên, tạo chuyển biến tích cực trong việc đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Trong đó, phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm đã được phát động sâu rộng và phát huy hiệu quả tích cực.
Với việc coi trọng chất lượng SKKN và phổ biến áp dụng SKKN, tránh chạy theo số lượng, chạy theo tiêu chí đánh giá thi đua, ngành không đòi hỏi các sáng kiến phải như một đề tài nghiên cứu với những lập luận logic, khoa học, trừu tượng, mà yêu cầu SKKN là cái có thực, được tích lũy từ thực tế công việc. Đó có thể là một kinh nghiệm hay, một cách làm hiệu quả cần được nhân rộng; cũng có thể là một sự thất bại, để đồng nghiệp cùng chia sẻ, rút kinh nghiệm. Vì vậy, nội dung, chất lượng của các SKKN đều thể hiện rõ sự sáng tạo, tâm huyết của người viết đối với các hoạt động giáo dục. Nhiều tác giả đã dày công sưu tầm, tập hợp tài liệu để dẫn chứng cho sáng kiến của mình, trở thành những tài liệu bổ ích cho hoạt động giáo dục của các nhà trường.
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay từ đầu năm học, BGH đã xây dựng kế hoạch và phổ biến sâu rộng tới Cán bộ-Giáo viên- Nhân viên, đồng thời tổ chức cho đăng ký các đề tài SKKN sẽ được thực hiện trong năm học.Thành lập Hội đồng khoa học cấp trường để giúp đỡ các cá nhân thực hiện các đề tài; thành lập Hội đồng chấm SKKN để tổ chức đánh giá kết quả thực hiện các đề tài sáng kiến, đề xuất với Hội đồng chấm SKKN cấp trên công nhận kết quả và xếp loại.
Đối với những SKKN được Hội đồng chấm cấp ngành công nhận xếp loại, nhà trường tổ chức cho các tác giả phổ biến áp dụng tới các thành viên trong các tổ nhóm chuyên môn.
Với sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ-giáo viên-nhân viên trong nhà trường, sự làm việc nghiêm túc của Hội đồng Khoa học, Hội đồng chấm SKKN của nhà trường nên các SKKN được gửi lên cấp trên đều được công nhận kết quả và xếp loại, nhà trường luôn nằm trong nhóm các trường dẫn đầu thành phố về công tác viết và ứng dụng SKKN, 7 năm liên tục được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen. Năm học 2017-2018, nhà trường có 39 đề tài được Sở GD&ĐT công nhận kết quả và xếp giải trong đó có 5 đề tài được xếp loại B. Phát huy thành tích này, trong năm học 2018-2019, đã có 71 đề tài được đăng ký thực hiện.
Một số lưu ý khi viết báo cáo SKKN
-Cấu trúc sáng kiến: viết đúng cấu trúc tham khảo trên các tiêu chí đánh giá SKKN.
+Tên đề tài và các giải pháp
Tên đề tài nên thu gọn theo đúng nội dung của sáng kiến, không nên để tên quá rộng không thể hiện đúng nội dung của đề tài.
Đặt tên các giải pháp: ngắn gọn, đúng trọng tâm. Mỗi giải pháp có ví dụ cụ thể, minh chứng rõ ràng.
Nếu có nhiều giải pháp trong một đề tài, ngoài việc nêu rõ các giải pháp thì phải có phần tổng quát các giải pháp đó.
+Khảo sát và kết quả
Trong đề tài bắt buộc phải có phần khảo sát trước khi thực hiện sáng kiến. Sau khi thực hiện đề tài phải có phần khảo sát để đánh giá kết quả của đề tài.
+Khuyến nghị
Đây là phần để viết những lưu ý hay những ý kiến về việc thực hiện SKKN. Nếu hiểu đơn giản đây chính là phần hướng dẫn sử dụng của đề tài SKKN.
-Phiếu chấm SKKN
I. Điểm hình thức (2 điểm)
I.1. Trình bày đúng qui định (Văn bản SKKN được in (font unicode, cỡ chữ 14, dãn dòng 1.2, đóng quyển (đóng bìa, dán gáy,...) (1 điểm).
I.2. Kết cấu hợp lý: Gồm 3 phần chính (đặt vấn đề, giải quyết vấn đề, kết luận và khuyến nghị) (1 điểm).
II. Điểm nội dung (18 điểm)
II.1. Đặt vấn đề (2 điểm):
Nêu lý do chọn vấn đề mang tính cấp thiết
Nói rõ thời gian, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Có số liệu khảo sát trước khi thực hiện giải pháp
II.2. Giải quyết vấn đề (14 điểm)
Nêu tên SKKN, tên các giải pháp phù hợp với nội hàm (1 điểm);
Nói rõ tác dụng của từng giải pháp (1 điểm);
Cách làm của mỗi giải pháp thể hiện tính mới, tính sáng tạo (4 điểm).
Giải pháp phù hợp với thực tiễn của mỗi đơn vị và đối tượng nghiên cứu, áp dụng (2 điểm);
Nêu ví dụ tường minh cho từng giải pháp cụ thể (2 đ);
Có thể áp dụng được ở nhiều đơn vị (0,5 điểm);
Nội dung đảm bảo tính khoa học, chính xác (1,5 điểm);
Có các minh chứng cụ thể: phiếu khảo sát chất lượng trước và sau khi thực hiện các giải pháp ứng dụng (1 điểm), biên bản thẩm định của tổ chuyên môn liên quan đến SKKN (0,5 điểm);
Khái quát hóa các giải pháp đã nêu (0,5 điểm).
II.3. Kết luận và khuyến nghị (2 điểm)
Có số liệu khảo sát sau khi thực hiện giải pháp (0,5 điểm);
Có bảng so sánh đối chiếu số liệu trước và sau khi thực hiện các giải pháp của SKKN (0,5 điểm);
Khẳng định được hiệu quả mà mỗi SKKN mang lại (0,5 điểm);
Khuyến nghị và đề xuất với các cấp quản lý về các vấn đề có liên quan đến áp dụng và phổ biến SKKN (0,5 điểm).