1.Mục tiêu và định hướng giáo dục trải nghiệm trong nhà trường THPT
Tầm quan trọng của giáo dục bậc phổ thông được hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) khẳng định “…Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời…”
Nhằm thực hiện mục tiêu đó, Giáo dục phổ thông nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh làm được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, nhất định phải thực hiện thành công việc chuyển từ phương pháp dạy học nặng về truyền thụ kiến thức sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất, đồng thời phải chuyển từ cách đánh giá kết quả giáo dục từ nặng về kiểm tra trí nhớ sang kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề, chú trọng kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học để có thể tác động kịp thời nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động dạy học và giáo dục. Thực hiện nội dung đổi mới PPGD, ngành giáo dục đào tạo đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hoạt động trải nghiệm của học sinh rất được chú trọng.
Hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một bộ phận của quá trình giáo dục được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học.Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể, học sinh sẽ phát huy vai trò cụ thể, tính tích cực, chủ động, tự giác và sáng tạo của bản thân. Các em được tham gia vào tất cả các khâu của quá trình hoạt động từ thiết kế, chuẩn bị, thực hiện và đánh giá kết quả.Bên cạnh đó, các em còn được bày tỏ quan điểm và lựa chọn ý tưởng của chính mình. Do vậy mà các em thật sự hào hứng và rất tích cực khi được học tập dưới dạng hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Hoạt động trải nghiệm cũng tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp.
Đặc biệt tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, những năng lực đã được xác định tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường theo các quy mô: cá nhân, nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường.
Có rất nhiều hình thức trải nghiệm đang được các nhà trường áp dụng theo thực tế của từng cơ sở. Từ năm 2013, hàng năm Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học. Thông qua cuộc thi ở các cấp, học sinh làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học. Đây là một quá trình nhận thức khoa học, là hoạt động trí tuệ đặc thù bằng những phương pháp nghiên cứu nhất định để tìm ra một cách chính xác và có mục đích những điều mà con người chưa biết đến hoặc biết chưa đầy đủ, tức là tạo ra sản phẩm mới dưới dạng tri thức mới về nhận thức hoặc phương pháp. Trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay thì đổi mới giáo dục phổ thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu của hoạt động NCKH, là sân chơi bổ ích giúp các em áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống, học đi đôi với hành; tiếp cận, làm quen với phương pháp, kỹ năng NCKH, tạo sự tự tin, tìm tòi và sáng tạo; rèn luyện cách làm việc tự lực, làm việc nhóm, tính tích cực, chủ động, hứng thú trong học tập và sinh hoạt tạo đà cho các bậc học tiếp theo. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh ở một số môn học có liên quan, phát hiện các tài năng để bồi dưỡng mũi nhọn. Không những thế, NCKH trong nhà trường là một trong những nội dung được đẩy mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục. Để phát huy những lợi ích trên, hoạt động NCKH phải được chú trọng ngay trong độ tuổi học trò, có như vậy mới có cơ sở xây dựng và phát triển được đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
2. Hoạt động trải nghiệm của HS trường THPT Hai Bà Trưng thông qua công tác nghiên cứu khoa học
2.1 Cuộc thi sáng tạo KHKT cấp trường
Đối với trường THPT Hai Bà Trưng, bên cạnh rất nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác, hoạt động NCKH được nhà trường xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai tới toàn thể các học sinh nhà trường theo từng năm học, động viên CBGV dạy học phân hóa tới học sinh, giúp học sinh hình thành ý tưởng, phát triển ý tưởng, xây dựng dự án và tiến hành nghiên cứu. Năm học 2017-2018, có 05 đề tài của học sinh nhà trường đã được cụm trường THPT Thạch Thất- Quốc Oai chọn cử tham dự cuộc thi sáng tạo KHKT cấp Thành phố, trong đó đề tài “Tạo sản phẩm lên men từ bột sắn và tái chế bã sắn bỏ đi thành nhiên liệu đốt phục vụ cho đời sống.” của tác giả Đỗ Mai Chi và Nguyễn Duy Thắng lớp 10A1 do cô Nguyễn Thị Tứ - Giáo viên môn Công nghệ hướng dẫn đã đạt giải Ba. Năm học 2018-2019, nhà trường đã tổ chức cuộc thi sáng tạo KHKT cấp trường, có 13 đề tài của các em học sinh đã tham gia dự thi, trong đó 10 đề tài được nhà trường chọn cử tham gia cuộc thi cấp cụm trường THPT Thạch Thất- Quốc Oai và hướng tới cuộc thi cấp Thành phố.
2.2 Đánh giá những ưu điểm cơ bản:
- Cuộc thi hàng năm đã thu hút được học sinh, các thầy giáo, cô giáo và đã có sức lan tỏa trong nhà trường, tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển, biến các ước mơ, ý tưởng khoa học thành các sản phẩm hiện thực.
- Cuộc thi cũng tạo điều kiện cho các giáo viên trải nghiệm, mở rộng quan điểm, thực hành đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
- Một số học sinh say mê nghiên cứu, có nhiều ý tưởng sáng tạo. Đã có những sản phẩm được Hội đồng khoa học cấp trường, cấp Thành phố ghi nhận.
2.3 Một số hạn chế:
- Mặc dù đã có những bước phát triển nhưng một số giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học trong việc đổi mới giáo dục.
- Chưa huy động được đông đảo học sinh tìm tòi, đặt vấn đề và lập dự án nghiên cứu.
- Việc xác định vấn đề nghiên cứu của học sinh còn gặp khó khăn, câu hỏi nghiên cứu chưa rõ ràng, chưa xác định được tính mới của đề tài, việc cập nhật các yếu tố liên quan, tham khảo tài liệu chuyên ngành chưa kịp thời nên đề tài thực hiện có thể bị trùng lắp hoặc lạc hậu so với các nghiên cứu khác.
- Năng lực liên môn, kỹ năng khoa học của giáo viên còn hạn chế nên gặp khó khăn khi tương tác với học sinh. Công tác theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá, thẩm định còn chưa kịp thời.
- Điều kiện cơ sở vật chất trường còn thiếu thốn: Các dụng cụ thí nghiệm, mô hình, tài liệu.... Nhà trường ở xa các trung tâm khoa học nên chưa tranh thủ được nguồn lực của các trường Đại học, viện nghiên cứu.
2.4 Một số giải pháp
- Phân tích rõ công tác tổ chức, các dự án học sinh đã thực hiện trong thời gian qua để phát huy các yếu tố tích cực, rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế để nâng cao chất lượng hoạt động hướng dẫn học sinh NCKH.
- Các giáo viên tích cực bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là về kiến thức liên môn để có thể chủ động trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là giáo dục trải nghiệm và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
- Các giáo viên được phân công hướng dẫn học sinh NCKH cần tích cực tìm hiểu sâu thêm kiến thức chuyên ngành, tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia, các nhà khoa học tranh thủ sự ủng hộ nguồn lực, về cơ sở vật chất, thiết bị từ các trường đại học, các viện nghiên cứu.
- Đưa hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh thành nội dung trong Kế hoạch giáo dục của từng giáo viên.
-Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực NCKH của giáo viên, qua đó nâng cao năng lực của giáo viên về hướng dẫn học sinh NCKH.
- Nhà trường có các hình thức hỗ trợ, động viên, ghi nhận, khen thưởng kịp thời những sản phẩm NCKH có chất lượng.