1. Các loại biểu đồ Địa lí thường gặp
Có nhiều loại biểu đổ Địa lí, nhưng trong chương trình THPT cơ bản có các loại biểu đồ cơ bản:
- Biểu đồ hình cột
- Biểu đồ dạng đường
- Biểu đồ kết hợp cột và đường
- Biểu đồ hình tròn
- Biểu đồ miền
2. Yêu cầu đạt được khi vẽ biểu đồ Địa lí
Khi vẽ biểu đồ Địa lí phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Tính khoa học(chính xác, đầy đủ)
- Tính trực quan (dễ đọc, phù hợp khổ giấy)
- Tính thẩm mỹ (sạch, đẹp)
3. Nhận dạng đúng biểu đồ cần vẽ:
Đây là khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng nhất trong vẽ biểu đồ Địa lí. Với những đề thi ở mức độ nhận biết đề bài có thể là yêu cầu vẽ biểu đồ chỉ định (chỉ rõ vẽ loại biểu đồ gì), ngoài ra phần lớn là học sinh phải nhận dạng biểu đồ. Nếu nhận dạng sai loại biểu đồ học sinh mất phần lớn số điểm của câu hỏi này. Để nhận dạng biểu đồ Địa lí thường dựa trên đặc điểm của bảng số liệu và lời yêu cầu của đề bài.
a. Nhận dạng biểu đồ cột
- Bảng số liệu có thể thể có sự thay đổi của đối tượng theo thời gian hoặc thể hiện sự so sánh các đối tượng trong một thời gian nhất định. Bảng số liệu nhiều nhất có 2 loại đơn vị.
- Lời yêu cầu thường dùng các từ gợi mở: Hãy vẽ biểu đồ so sánh, thể hiện quy mô, khối lượng, sản lượng, diện tích,…
- Biểu đồ cột chồng có thể thể hiện được cơ cấu của các đổi tượng.
b. Nhận dạng biểu đồ đường (đồ thị biểu diễn)
- Bảng số liệu phải có sự thay đổi của đối tượng theo thời gian, thông thường là năm.
- Lời yêu cầu thường có lời dẫn với các từ gợi mở như: "biến động", "tăng trưởng", "tốc độ tăng trưởng", "phát triển"…
- Khi vẽ biểu đồ đường mà bảng số liệu có nhiều loại đơn vị khác nhau, hoặc đề bài yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện "tốc độ tăng trưởng" ta vẽ biều đồ đường chỉ số phát triển.
- Khi ta vẽ biểu đồ gồm 2 đường mà khoảng cách 2 đường tạo ra một đối tượng khác ta kí hiệu miền là khoảng cách giữa ư đường cho đối tượng mới được tạo ra. Ví dụ: Miền khoảng cách giữa đường tỉ suất sinh thô và tỉ suất tử thô là gia tăng dân số tự nhiên
c. Nhận dạng biểu đồ kết hợp cột và đường
- Dạng biểu đồ này bảng số liệu phải có sự thay đổi của đối tượng theo thời gian, thông thường là năm.
- Bảng số liệu thường có 2 loại đối tượng với đơn vị khác nhau. Giữa 2 loại đối tượng có quan hệ với nhau theo tỉ lệ thuận hoặc tỉ lệ nghịch như "diện tích và sản lượng", "năng suất và sản lượng", "diện tích rừng và độ che phủ rừng", "Dân số và tỉ lệ gia tăng dân số", " Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị", "số lượt khách du lịch và doanh thu du lịch", "khối lượng vận chuyển và khối lượng luân chuyển"…
d. Nhận dạng biểu đồ hình tròn
- Bảng số liệu có các giá trị bộ phận trong tổng số
- Lời yêu cầu có các từ gợi mở: "cơ cấu", "quy mô và cơ cấu", "thay đổi cơ cấu", "tỉ lệ"…
- Biểu đồ tròn thường vẽ cho sự thay đổi cơ cấu 3 năm trở lại
e. Nhận dạng biểu đồ miền
- Bảng số liệu phải có sự thay đổi của đối tượng theo thời gian, thông thường là năm, từ 4 năm trở lên.
- Lời yêu cầu có các từ gợi mở: "cơ cấu", "thay đổi cơ cấu", "chuyển dịch cơ cấu"…
4. Các bước vẽ biểu đổ Địa lí
Bước 1: Đọc kỹ yêu cầu xác định loại biểu đồ, số lượng biểu đồ
Bước 2: Xử lí số liệu nếu cần
Bước 3: Xác định tỉ lệ các trục, vẽ hệ trục tọa độ. Nếu là biểu đồ hình tròn xác định tỉ lệ bán kính các hình tròn và vẽ các hình tròn
Bước 4: Thể hiện biểu đồ
Bước 5: Hoàn thiện biểu đồ
(Ghi số liệu, kí hiệu, lập bảng chú giải và ghi tên biểu đồ)
5. Một số lưu ý khi thể hiện các loại biểu đồ Địa lí
a. Một số lưu ý khi thể hiện biểu đồ hình cột
- Các cột có sự thay đổi ở chiều cao, bề ngang cột bằng nhau và đều từ dưới lên trên.
- Cột đầu tiên nên cách trục đứng 1 khoảng phù hợp.
- Nếu trục ngang là năm dời dạc cần vẽ các đối tượng ở trục ngang đúng tỉ lệ khoảng cách năm. Còn lại các đối tượng ở trục ngang vẽ cách đều.
b. Một số lưu ý khi thể hiện biểu đồ dạng đường
- Trục đứng là đơn vị của đối tượng, trục ngang là các năm. Cần đảm bảo đúng tỉ lệ ở tất cả các trục.
- Năm đầu tiên được đặt tại gốc tọa độ
- Khi biểu đồ có nhiều đường cần vẽ các đường này với các dạng kí hiệu khác nhau.
c. Một số lưu ý khi thể hiện biểu đồ kết hợp cột và đường
- Biểu đồ có 2 trục đứng với đơn vị khác nhau, trục ngang với đơn vị là năm. Phải đảm bảo đùng tỉ lệ ở các trục.
- Thông thường đối tượng được yêu cầu trước là cột, đối tượng được yêu cầu sau là đường
- Chú ý sự cân đối khoảng cách 2 trục đứng đến các cột
- Cần vẽ để thấy được đối tượng thể hiện bằng cột và đối tượng thể hiện bằng đường có mối quan hệ với nhau.
d. Một số lưu ý khi thể hiện biểu đồ hình tròn
- Xử lí số liệu:
Cần đổi từ số liệu tuyệt đối sang số liệu tương đối (%)
Để đổi từ % sang độ ta lấy số liệu % nhân 3,6
- Khi bảng số liệu là số liệu tuyệt đối hoặc có các tổng số, hoặc có tỉ lệ của các tổng số ta phải xác định tỉ lệ bán kính của các hình tròn.
- Vẽ cung đầu tiên trùng với kim chỉ đúng 12h, vẽ tuần tự theo bảng số liệu
- Nếu vẽ nhiều hình tròn, phải vẽ để tâm các hình tròn nằm trên 1 đường thẳng.
- Trong hình tròn phải ghi số liệu %
e. Một số lưu ý khi thể hiện biểu đồ miền
- Biểu đồ miền là một khung hình chữ nhật, trục đứng đơn vị (%), giá trị lớn nhất 100%, trục ngang là các năm. Khi vẽ biểu đồ miền cần đảm bảo chính xác tỉ lệ ở các trục.
- Số đường cần vẽ làm ranh giới các miền thường nhỏ hơn một đơn vị so với số miền.