Ngày 23/11/2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập bởi 10 quốc gia thành viên ASEAN với dân số hơn 620 triệu người.
Khi chính thức đi vào hoạt động AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Các chuyên gia cho rằng, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC có trình độ cao sẽ vào Việt Nam như Singapo, Philipin, hay Indonexia…. Thay vì cạnh tranh bởi 90 triệu người dân Việt Nam, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với hơn 600 triệu dân của khối ASEAN.
Lâu nay, chúng ta luôn tự hào về đội ngũ lao động trong nước với các đặc điểm: cần cù, chịu khó học hỏi, giá rẻ,… Tuy nhiên, khi tham gia AEC, lại đòi hỏi người lao động phải giỏi chuyên môn và cần có vốn ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC. Như vậy cơ hội dành cho lao động Việt Nam càng thu hẹp bởi các yêu cầu khắt khe về chuyên môn, ngoại ngữ.
Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Tuy nhiên, điểm yếu của học sinh, sinh viên hiện nay là sau khi ra trường có trình độ chuyên môn còn thấp và kiến thức thực tế còn hạn chế, đặc biệt tình trạng học sinh, sinh viên thiếu các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ … Cứ tình trạng này trong tương lai các em học sinh có thể sẽ không tìm được cơ hội việc làm ngay chính trên sân nhà của mình.
Từ những điều nói trên đòi hỏi, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần trang bị tốt hành trang nghề nghiệp trong tương lai của bản thân là: Kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp (tính kỷ luật và trách nhiệm). Vậy kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm ( hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội) là thuật ngữ liên quan đến trí tuệ xúc cảm dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người. Các dạng kĩ năng mềm chính gồm những phương diện sau: Thái độ lạc quan, biết làm việc theo nhóm, giao tiếp hiệu quả, tự tin, chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình, thúc đẩy chính mình và dẫn dắt người khác, đa năng và biết ưu tiên công việc, biết nhìn nhận toàn diện, biết giải quyết vấn đề, có khả năng tự học và nâng cao năng lực cá nhân, kĩ năng tư duy và hành vi tích cực, biết sáng tạo và mạo hiểm, lập kế hoạch và tổ chức công việc, có kĩ năng thuyết trình,…
Ở phạm vi bài viết này tôi muốn trao đổi với các em học sinh về một số dạng kỹ năng mềm các em có thể có được qua quá trình học tập, rèn luyện của bản thân như:
Khả năng làm việc theo nhóm: Tục ngữ có câu:” Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Điều đó có nghĩa là, khi làm việc theo nhóm thì hiệu quả công việc cao hơn nhiều so với làm việc đơn lẻ. Đây là một điểm yếu của người Việt Nam, rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp loại khá, loại giỏi nhưng khi phỏng vấn tìm việc làm vẫn rớt hoặc được đánh giá thấp về mặt này. Vậy với các em học sinh, chúng ta sẽ rèn luyên khả năng làm việc theo nhóm bằng cách nào?
Trong mỗi giờ học của các thầy cô giáo hiện nay đều coi trọng làm việc theo nhóm của học sinh. Với từng công việc, thầy cô sẽ chia lớp học thành nhiều nhóm và giao nhiệm vụ cho các em. Vậy đừng nề hà gì nữa, các em hãy tích cực, chủ động và nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân khi làm việc với nhóm của mình sao cho hiệu quả công việc tốt nhất.
Sự sáng tạo trong lao động, học tập: Tục ngữ có câu: " trong cái khó ló cái khôn", điều đó có nghĩa là sự sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh luôn được đánh giá rất cao ở bất cứ công việc nào. Sáng tạo trong học tập của mỗi học sinh thể hiện ở việc các em biết biến các kiến thức của thầy cô thành của mình, không chỉ rập khuôn những kiến thức trong sách giáo khoa hay vở ghi mà biết mở rộng, liên hệ các kiến thức cũng như biết đem nó áp dụng vào thực tiễn.
Biết lắng nghe và học hỏi từ những lời phê bình của người khác: Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất đối với mỗi chúng ta. Người ta rất khó mà giữ bình tĩnh được khi bị người khác phê bình, chỉ trách.Tuy nhiên, khó mà làm được mới là điều đáng bàn, việc giữ được thái độ bình tĩnh và có lối ứng xử phù hợp trước những lời phê bình của người khác là rất quan trọng, nó phản ánh rất nhiều về thái độ cầu thị của chúng ta.
Thái độ lạc quan: Như các cụ xưa đã nói “nhân vô thập toàn”. Điều đó có nghĩa là, hãy nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực thì tốt hơn là chiều hướng tiêu cực. Trong thực tế, cái nhìn lạc quan dễ dẫn đến thái độ và hành động lạc quan, từ đó sẽ cho ta một kết quả khả quan. Vậy khi chưa đạt được kết quả học tập như ý muốn, các em đừng vội nản chí, tự cho rằng mình không thể học tốt hơn. Hãy kiên trì, nhẫn lại, biết tích lũy về lượng để tạo sự biến đổi về chất.
Kỹ năng học và tự học: Học là quá trình lâu dài và không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, ta cần phải hiểu rằng không phải mỗi ngày cắp sách tới trường, chăm chú nghe thầy cô giảng bài, hay cứ ra đời rồi mình sẽ tự có kiến thức. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Để có được kiến thức chúng ta cần phải có kỹ năng học và tự học, những kỹ năng đó sẽ không ai dạy cho ta mà chính bản thân ta phải ý thức được sự quan trọng của kiến thức mà rèn luyện cho bản thân. Để có kỹ năng học và tự học các em nên: Đặt ra Kế hoạch và mục tiêu cho việc học; cần có Phương pháp và nhẫn nại trong học tập; trong quá trình học cần chú ý rèn luyện kỷ luật khi học. Các em không thể vừa học, vừa nói chuyện, vừa học vừa chơi game hay làm một việc khác. Khi học hãy dành toàn bộ tâm trí, tập trung cao độ, không xao nhãng. Đừng tập cho mình những thói quen xấu khi học, nếu không những thói quen này sẽ theo bạn ở bất kỳ hoàn cảnh nào trong đời sống cũng như công việc. Hãy kỷ luật khi học, đó cũng là cách tốt nhất để bạn rèn luyện tác phong công nghiệp cho bản thân mình sau này.
Các em học sinh thân mến! Có thể thấy việc rèn luyện kỹ năng mềm của mỗi cá nhân là việc làm vô cùng cần thiết. Hãy dành thời gian để tìm hiểu và rèn luyện kỹ năng mềm cho chính mình, nhằm làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn và tốt đẹp hơn cũng như mang lại cho mình nhiều hơn cơ hội về việc làm trong tương lai các em nhé.