Việc cho ra
đời 1 ngôi trường mới giữa lúc các trường THPT trong huyện đang quá tải và trong
lúc nhu cầu học tập của con em nhân dân dang bức xúc là một chủ trương, một quyết
định hết sức đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong việc phát triển KT - XH ở địa
phương. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở
GD&ĐT Hà Tây và lãnh đạo huyện Thạch Thất đối với con em nhân dân vùng đồi
gò của huyện Thạch Thất.
Thấy
rõ sự quan tâm ấy, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cán bộ giáo viên, nhân
viên trường THPT Hai Bà Trưng đã xác định rõ nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp
trồng người và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của địa phương.
Còn
nhớ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ làm hiệu trưởng một ngôi trường mới thành
lập, trước mắt tôi là những thách thức không nhỏ bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Chỉ
có vài tháng để bước vào năm học đầu tiên với đội ngũ giáo viên còn rất mỏng và
không đồng bộ, bộ máy lãnh đạo trong mấy tháng liền chưa được kiện toàn; cơ sở
vật chất thì ngoài các phòng học tiếp quản từ cơ sở II của trường THPT Thạch Thất
ra , chưa có phòng làm việc của cán bộ giáo viên và các phòng chức năng khác,
trang thiết bị dạy học cũng chưa có gì; kinh phí thì không đủ chi lương cho cán
bộ giáo viên. Ba trăm mười hai học sinh lớp 11 từ THPT Thạch Thất chuyển lẻ tẻ
về và hơn 600 học sinh lớp 10 mới tuyển đều có điểm xét tuyển rất thấp, tôi
không khỏi băn khoăn, trăn trở, song với quyết tâm và niềm tin tưởng vào sự
quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng nhân dân địa phương; một mặt tôi đã tích cực
tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Tây để kiện toàn đội
ngũ, tạo dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị ban đầu, làm tốt công tác xã hội
hóa giáo dục để tăng cường CSVC, một mặt tôi đã động viên cán bộ giáo viên nhân
viên cùng chung lo gánh vác công việc, tổ chức tốt các hoạt động giáo dục theo
nhiệm vụ năm học. Do vậy nhà trường đã nhanh chóng ổn định, cơ sở vật chất được
tăng cường, xây dựng được nề nếp kỷ cương, bắt kịp cùng toàn ngành thực hiện
nhiệm vụ các năm học.
Điều
tôi trăn trở nhiều không chỉ những khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị
dạy học mà đặc biệt là về chất lượng dạy học của nhà trường. Những khó khăn thiếu
thốn của nhà trường và sự mới mẻ của nhà trường đã khiến nhiều học sinh tin tưởng
để dự tuyển vào trường. Họ chỉ đến với trường khi biết điểm xét tuyển thấp khó
lòng vào được các trường khác. Vì thế khóa đầu tiên chỉ có 1 học sinh giỏi THCS
dự tuyển, hai khóa tiếp theo thì lèo tèo dăm mười em diện như thế. Tuy đội ngũ
giáo viên còn trẻ, nhiệt tình nhưng vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu kinh nghiệm
giảng dạy và quản lý học sinh.
Trong
bộn bề những khó khăn của 1 ngôi trường mới thành lập, cảm thông với các giáo
viên vì đời sống của họ còn nhiều khó khăn: lương thấp, nhà ở xa trường, phải
làm việc với học sinh chưa ham học, lãnh đạo nhà trường chúng tôi đã gần gũi động
viên giúp đỡ cán bộ giáo viên, tậm tình chỉ dẫn, hướng dẫn nghiệp vụ và tập huấn
chuyên môn. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là công tác chuyên môn và vấn đề
sống còn của nhà trường là chất lượng dạy và học, vì vậy ngoài những biện pháp
quản lý có tính nghiệp vụ, mặc dù còn nhiều khó khăn, lãnh đạo nhà trường chúng
tôi đã tập trung chỉ đạo việc dạy và học cho có hiệu quả. Ngoài việc quản lý nề
nếp, và việc thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn trong chính khóa, chúng
tôi đầu tư tổ chức tốt các hoạt động chuyên môn khác, như tăng cường sinh hoạt
tổ nhóm chuyên môn, tổ chức các chuyên đề giảng dạy theo hướng tích cực dạy sát
đối tượng, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hoá hoạt động của
học sinh, ra bảng tin khoa học hàng tuần, tổ chức thi giáo viên giỏi và thi đồ
dùng dạy học tự làm.
Trong
công tác quản lý, đi đôi với việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng chính trị,
chúng tôi luôn chú trong việc động viên thi đua, thường xuyên đánh giá và ghi
nhận sự cố gắng của cán bộ giáo viên và học sinh, khen thưởng kịp thời và công
bằng.
Vì
thế, nhà trường đã nhanh chóng ổn dịnh và phát triển, đã trở thành một địa chỉ
đáng tin cậy của học sinh và nhân dân địa phương, đã khẳng định được vụ thế của
mình trong hệ thống các trường THPT của tỉnh Hà Tây. Trường luôn hoàn thành tốt
nhiệm vụ và đã trở thành một trong những trường tiên tiến xuất sắc của tỉnh.
Tuy
chất lượng đầu vào vẫn còn thấp hơn nhiều trường khác, và vẫn trong bộn bề những
khó khăn của ngôi trường mới thành lập, nhà trường vẫn nhịp bước cùng toàn
ngành thực hiện tốt chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Năm học này nhà trường nhanh chóng ổn định việc phân ban, bồi dưỡng nghiệp vụ
chuyên môn, triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Cán bộ
giáo viên nhà trường tích cực tìm tòi, phát huy sáng kiến, thực hiện đổi mới
phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh để
nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy trò trường THPT Hai Bà Trưng đang tích cực
hưởng ứng cuộc vận động “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích
trong giáo dục”.
Trong 5 năm
qua, nhà trường đã có những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ
thi đua, có giáo viên đạt giảI nhì trong hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, đạt
giảI nhất trong hội thi sáng tạo kỹ thuật Hà Tây với một đồ dùng dạy học tự
làm. Trường cũng đã có nhiều học sinh đạt giải trong các đợt thi học sinh giỏi
cấp tỉnh, trong các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao của ngành. Tỷ lệ học
sinh được điểm sàn và đỗ vào các trường đại học và cao đẳng ngày càng tăng.
Với
hơn hai ngàn học sinh, năm học 2006 - 2007 này tập thể sư phạm nhà trường đã và
đang nỗ lực phấn đấu phát huy những thành tích đã đạt được, củng cố và giữ gìn
kỷ cương nề nếp, giữ vững tập thể sư phạm đoàn kết và môi trường sư phạm trong
sạch, lành mạnh, nâng cao dần chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
chung mà các cấp lãnh đạo giao cho. Tuy mới ở tuổi thứ năm song trường THPT Hai
Bà Trưng đang bước đi những bước đi vững chắc, đầy tự tin. Có thể nói, nơi đây
đã và đang thắp sáng những niềm tin và chắp cánh những ước mơ vươn tới tương
lai.
Cô
giáo: Nguyễn Thu Hòa - Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng (Tập san kỷ niệm 5 năm thành
lập trường)