Ngoảnh đi, ngoảnh lại mới đấy mà cũng 5 năm
rồi, 5 năm trôi qua thầy trò trường tôi “đùa gió, đùa nắng, đội mưa, tựa mây”
cùng nhau xây dựng và từng bước trưởng thành đã khơi dậy được phong trào học tập
ngày càng rạng rỡ hơn ở mảnh đất đồi gò này.
Nhìn
lại những gì chúng tôi đang có, có lẽ chính những người đi “gieo cái sự học”
như chúng tôi cũng phải thấy ngạc nhiên và không thể ngờ là mình đã làm được
như thế. Ký ức tháng ba lại đưa tôi trở về với thuở sơ khai của những ngày mới
thành lập...
Tôi
là một giáo viên giảng dạy Giáo dục công dân thuộc tổ bộ môn Văn – Sử – GDCD được
vinh dự về đây công tác từ ngày mà những bức tường kia còn thơm mùi vôi vữa.
Tôi vốn sinh ra ở mảnh đất đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu, nơi có rất nhiều anh
hùng hào kiệt và những con người nổi tiếng như Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh
– một vùng quê hiếu học. Khi về đây công tác, những ngày đầu được tiếp xúc với
các học sinh, cơ bản là 5 xã đồi gò, tôi cứ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác. Chất lượng đầu vào thấp, đã vậy tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm Khá, Tốt
cũng không nhiều, và đặc bịêt tôi thấy những điều tưởng chừng như vô cùng đơn
giản thì với các em có vẻ như rất lạ lẫm và “xa xỉ”. Đấy là khi tôi lên lớp,
vào tiết học đầu tiên của năm học mới với trang vở mới, cô giáo mới, bài học mới,
tôi nói lời chúc mừng các em về một năm học tràn đầy hứa hẹn. Nhưng chao ôi,
không một tiếng vỗ tay nào tán thưởng lời chúc của tôi. Được tiếp xúc với các
kiến thức của bộ môn, rất gần với thực tiễn – song các học trò của tôi lại tỏ
ra rất lạ lẫm với các kiến thức pháp luật, và có thể là ngượng ngùng xấu hổ với
những bài dạy về tình yêu, hôn nhân, xen kẽ là những kiến thức về sức khoẻ giới
tính.
Thì
ra là như vậy, các tập tục, tập quán xưa cũ đã ăn sâu vào nếp nghĩ, việc làm và
cả cách tư duy của các em. Vì thế những điều thể hiện sự văn minh trong ứng xử
và các kiến thức pháp luật trong cuộc sống hàng ngày còn rất xa vời. Phải làm
sao đây để thay đổi được những suy nghĩ và hành động của các em, hướng các em tới
được với cái: chân – thiện – mỹ, tới những điều hết sức bình thường đang diễn
ra bên ngoài luỹ tre làng của các em, đến với những kiến thức pháp luật, chính
sách của Đảng và Nhà nước... để mai đây khi ra trường các em sẽ hoà nhập với cộng
đồng, với thế giới và trở thành những người công dân mới trong chế độ XHCN. Đây
là câu hỏi luôn canh cánh trong lòng những giáo viên giảng dạy GDCD và của tất
cả chúng tôi – những người đang đi “gieo mầm” ở mảnh đất này. Chiếc đồng hồ thời
gian cứ đều đặn trôi đi từng khắc, từng khắc một. Còn chúng tôi dường như phải
chạy đua với thời gian để “vừa dạy, vừa dỗ” các em. Những bài học rồi đây sẽ
nhân lên trong các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào để góp phần giữ
gìn truyền thống của cha ông. Cũng từ những bài học về đường lối chính sách của
Đảng, Nhà nước, chúng tôi đã giúp các em hiểu thêm về con đường và sự nghiệp
xây dựng chế độ XHCN và chính các em sẽ là những công dân tốt thực hiện thắng lợi
con đường mà Đảng và Bác đã chọn.
Đọc
những lá thư học trò cũ gửi về, chúng tôi biết các em đang đi đúng hướng, đang
trưởng thành như những gì chúng tôi mong đợi. Trong mỗi giờ dạy pháp luật thấy
các em mạnh dạn, tự tin trong vai một tuyên trruyền viên dân số, một vị thẩm
phán, một chiến sĩ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thì dường như một
chân trời mới đang mở ra trước những học trò nhỏ của chúng tôi mà ngày nào còn
thơm mùi ngô sắn.
Tiếng
vỗ tay ròn rã từ các lớp học vang lên đã đưa tôi trở về thực tại. Thì ra hôm
nay là mùng 8 tháng 3, học trò của các lớp đang tíu tít tặng hoa cho cô giáo.
Tôi vô cùng xúc động... Học sinh của tôi giờ cũng đã biết vỗ tay, chúc mừng thầy
cô rồi đấy... Vậy chẳng còn lý do nào để vườn ươm của chúng tôi không xanh tốt
lên từng ngày, từ chính vùng đất sỏi đá này.
Nguyễn
Thị Dương_Giáo viên Giáo dục công dân (Tập san kỷ niệm 5 năm thành lập trường)