Loại bỏ được yếu tố học tủ
Theo thầy Cường, cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ văn năm nay về cấu trúc của ít thay đổi so với năm 2016. Cấu trúc vẫn gồm 2 phần là: Đọc hiểu và làm văn.
Thang điểm dành cho mỗi phần vẫn giữ nguyên theo tỷ lệ: 3-7. Tuy nhiên, điểm câu nghị luận chỉ còn là 2 điểm thay vì 3 điểm so với năm 2016.
Về nội dung: Phần đọc hiểu, ngữ liệu vẫn ngoài chương trình, phần làm văn tập trung vào chương trình Ngữ văn lớp 12.
Thầy Cường - cho biết, điểm mới của đề minh họa năm nay đó là: Thời gian rút xuống 120 phút do vậy thang điểm cho các câu đã thay đổi; số lượng câu hỏi phần đọc hiểu và dung lượng số từ tối thiểu ở câu nghị luận xã hội cũng được rút xuống để đảm bảo phù hợp với thời gian.
"Có thể nói, đây là đề Văn hay mang tính giáo dục cao. Đề có đủ các cấp độ nhận biết từ thấp đến cao, không mang tính chất đánh đố học sinh, đòi hỏi học sinh phải vừa có kiến thức bộ môn, vừa phải có kĩ năng làm bài và tư duy nhạy bén. Do vậy sẽ loại bỏ được yếu tố học tủ, học thuộc" - Thầy Cường phân tích.
Thầy Cường nhấn mạnh: Nội dung câu đọc hiểu là dữ kiện cho câu nghị luận xã hội, điều này có lợi cho học sinh trong quá trình tư duy và viết bài.
Tuy nhiên, thời gian làm bài chỉ có 120 phút sẽ là khó khăn cho thí sinh, bởi khó có thể đạt được 3 yêu cầu: tư duy nhanh, viết nhanh và nội dung sâu sắc trong một thời gian ngắn.
Cần thay đổi phương pháp ôn tập
Trên cơ sở đề thi minh họa năm nay, thầy Cường cho rằng, giáo viên cần thay đổi phương pháp ôn tập và cách thức kiểm tra, đánh giá. Xây dựng bộ đề theo cấu trúc 2017.
Ôn tập giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản của bộ môn, trên cơ sở đó sẽ giúp các em linh hoạt trong quá trình vận dụng. Đồng thời, tập trung vào rèn luyện kĩ năng diễn đạt, lập luận ngắn gọn, logic. Tăng cường khả năng thực hành cho học sinh để vừa rèn kĩ năng vận dụng vừa thích ứng với sự thay đổi thời gian làm bài.
"Với đề thi minh họa này, thí sinh cần lưu ý:
Thứ nhất: Thời gian làm bài rút ngắn nên nhiều thí sinh có lối viết đề cao cảm xúc, cần phải thay đổi cho phù để đảm bảo tính ngắn gọn, xúc tích
Thứ hai: Câu nghị luận xã hội rút xuống còn 200 từ nên thí sinh cần lưu ý thay đổi cách viết sao cho thật ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn phải đầy đủ ý".