Tại hội thảo, lãnh đạo của Sở GD&ĐT, chuyên viên cũng như các tổ chuyên môn đã tiến hành nhận xét, đánh giá về đề thi minh họa kì thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT công bố; đồng thời bàn giải pháp ôn luyện cũng như xây dựng ngân hàng đề thi để học sinh ôn luyện và kiểm tra, đánh giá.
Đề thi Ngữ văn giảm bớt yêu cầu về kiến thức
Với bộ môn Ngữ văn, thầy Hà Đình Sơn cho biết, các thầy cô giáo đều chung nhận định: Đề thi không có khác biệt về cấu trúc so với hai năm trước, cùng với việc giảm thời gian làm bài của học sinh thì đề thi cũng giảm bớt yêu cầu về kiến thức.
Phần đọc hiểu trước đây thường có hai văn bản (một thơ, một văn xuôi) tương ứng với tám câu hỏi, với bốn cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao thì nay rút xuống chỉ còn một văn bản, tương ứng với bốn câu hỏi, với 4 cấp độ.
Phần làm văn nghị luận xã hội trước đây thường yêu cầu học sinh viết một bài văn, thì này chỉ yêu cầu viết một đoạn văn, mà vấn đề bàn luận được lấy ngay từ văn bản của phần đọc hiểu. Như thế vừa đảm bảo sự mạch lạc trong tư duy của học sinh vừa đảm bảo với thời gian làm bài.
Về phần làm văn nghị luận văn học thì không có thay đổi gì so với trước. Đề minh họa như vậy, các thầy cô cho rằng là phù hợp, đảm bảo được sự phân hóa trong đánh giá học sinh.
Với những thay đổi như trên, tổ chuyên môn cũng như các thầy cô trực tiếp giảng dạy, ôn luyện cho học sinh lớp 12 đều thấy là không ảnh hưởng gì nhiều đến cách dạy, cách học hiện nay ở trường phổ thông.
Vì đã được làm quen với cách ra đề của hai năm trước nên với đề thi minh họa năm 2017 của Bộ, các thầy cô vẫn tiến hành giảng dạy theo hướng:
Chú trọng đến việc rèn luyện kĩ năng hơn là cung cấp kiến thức, phát huy năng lực của học sinh, tăng cường làm bài tập, lập dàn ý, tạo lập văn bản hơn là truyền thụ kiến thức kiểu thầy đọc trò chép, về nhà học thuộc.
Lưu ý học sinh về cách học để đạt kết quả cao trong kỳ thi
Thầy Hà Đình Sơn cho biết ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới, đặc biệt sau khi có đề thi minh họa, tổ Ngữ Văn của trường THPT Yên Dũng số 3 đã sinh hoạt tổ để thống nhất phương án ôn tập cho học sinh trên tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng như ban giám hiệu nhà trường.
Theo đó, việc đầu tiên là tổ chuyên môn lên kế hoạch thống nhất chương trình ôn tập về thời gian, thời lượng, nội dung phạm vi kiến thức, kĩ năng cần trang bị cho học sinh, đảm bảo sự vừa sức, sự phân hóa theo đối tượng.
Mỗi thầy cô trực tiếp giảng dạy lớp 12 tự xây dựng kế hoạch ôn tập theo đối tượng học sinh do mình phụ trách. Trong quá trình ôn luyện, các thầy cô thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm đánh giá, bổ sung để có phương pháp ôn luyện phù hợp, đạt hiệu quả.
Các thầy cô thường tiến hành ôn tập theo từng chuyên đề như chuyên đề đọc hiểu, làm văn nghị luận xã hội, làm văn nghị luận văn học. Trong mỗi chuyên đề lại chia thành các dạng bài tập khác nhau.
Ví dụ: Chuyên đề đọc hiểu có các câu hỏi, bài tập dạng nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Nghị luận xã hội có dạng bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí, nghị luận về một hiện tượng xã hội …
Đặc biệt, theo thầy Hà Đình Sơn, trong quá trình ôn tập, các thầy cô thường lưu ý học sinh về cách học làm sao để đạt hiệu quả cao trong kì thi.
Cụ thể, các em cần tích cực, chủ động tích lũy kiến thức từ sách vở, từ thực tiễn qua các phương tiện thông tin đại chúng để có một vốn kiến thức phong phú.
Tăng cường rèn luyện kĩ năng tạo lập văn bản, rèn luyện tư duy độc lập. Tiến hành ôn luyện theo các chuyên đề, các dạng bài tập, câu hỏi theo sự hướng dẫn của các thầy cô. Khi làm bài cần chú ý sắp xếp thời gian sao cho phù hợp với mỗi phần…