Lưu ý với môn Tiếng Anh
Từ nhận định đề thi thử nghiệm môn Tiếng Anh do Bộ GD&ĐT công bố là đề thi hay, bao phủ phạm vi kiến thức rộng, bám sát sách giáo khoa, có tính phân hoá cao, phù hợp với trình độ học sinh, cô Phạm Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn Tiếng Anh - chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn học này như sau:
Khi ôn tập, giáo viên cần bám sát theo hình thức, nội dung chuẩn của đề minh hoạ do Bộ GD&ĐT công bố. Đồng thời, chủ động xây dựng bộ đề ôn thi phù hợp với học sinh lớp giảng dạy, vừa đảm bảo kiến thức mở rộng, nâng cao cho mục đích xét tuyển đại học
Để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh cần lưu ý tích cực, ôn luyện kiến thức trong từng tiết học trên lớp; học đến đâu phải nắm chắc đến đó, tránh tình trạng dồn kiến thức đến cuối học kỳ mới ôn.
Học sinh chú ý rà soát lại tất cả kiến thức theo từng chuyên đề, tránh học tủ. Phân bố thời gian hợp lý giữa các câu trong đề thi; không chủ quan với câu dễ và không mất quá nhiều thời gian với câu khó.
Lưu ý với môn Địa lý
Cô Nguyễn Thị Hoa - Trưởng bộ môn Địa lý - cho rằng: Đề thi thử nghiệm môn Địa lý được Bộ GD&ĐT công bố thực sự giúp phát huy được tính sáng tạo của học sinh. Nội dung thi nằm hoàn toàn trong chương trình Địa 12. Kiến thức rộng, bao quát chương trình, được rải đều, xoá bỏ hình thức học tủ. Câu hỏi trong đề thi có đầy đủ phần lý thuyết, kỹ năng bản đồ, atlat và có sự phân hoá.
Từ những thay đổi trong đề thi, cô Nguyễn Thị Hoa chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn tập môn học, cụ thể:
Khi dạy học, giáo viên cần điều chỉnh cách dạy, luyện học sinh phương pháp học, kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Học sinh phải nắm kiến thức cơ bản, cần có sự chính xác, không học qua loa. Câu hỏi trắc nghiệm theo hướng tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng.
Với việc ôn tập, nên thực hiện theo các chủ đề: Không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa từ kênh chữ đến kênh hình; ôn tập cho học sinh cách sử dụng Atlat, biểu đồ; nhận biết dạng biểu đồ; phân tích bảng thống kê, nhận xét...
Để đạt kết quả cao với bài thi môn Địa lý trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, học sinh nhất thiết phải chú ý đến các công cụ làm bài...; chuẩn bị tâm lí tự tin, vững vàng. Đặc biệt, cần phân bố thời gian hợp lí, làm bài theo nguyên tắc dễ trước, khó sau. Tận dụng tối đa thời gian làm bài, không được bỏ trống phương án trả lời.
Lưu ý với môn Giáo dục công dân
Thầy Nguyễn Quốc Việt - Trưởng bộ môn Giáo dục công dân - cho rằng: Để đạt kết quả tốt môn Giáo dục công dân, học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản.
Bên cạnh đó, các em cần biết tự đặt ra tình huống. Chịu khó theo dõi cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần bình tĩnh đọc kỹ các câu hỏi trước khi làm bài.