Luôn đưa ra tình huống thực tế trong mỗi dạy học
Theo cô Đào Thị Thanh Lan, với sự thay đổi trong đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017, giáo viên cần thay đổi cách dạy, từ nặng về truyền thụ kiến thức lí thuyết sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề;
Thay đổi từ việc nội dung và phương pháp dạy học mang tính chủ quan của người dạy, sang việc nội dung và phương pháp học phải phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Trong mỗi giờ dạy, giáo viên phải kết hợp tốt việc hình thành kiến thức với luyện tập kiến thức và giúp học sinh vận dụng được kiến thức vừa học.
Môn Giáo dục công dân có sự thay đổi lớn trong đề thi, từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm. Vì vậy, theo cô Lan, giáo viên trực tiếp giảng dạy bộ môn cần phải thay đổi cách dạy như: Yêu cầu học sinh phải thu thập thông tin liên quan đến bài học của giờ sau; có một số câu hỏi thay vì yêu cầu học sinh đưa ra một phương án trả lời, giáo viên có thể đưa ra các đáp án để học sinh lựa chọn; sau mỗi đơn vị kiến thức phải cho học sinh luyện tập và vận dụng ngay.
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, cô Đào Thị Thanh Lan cho biết luôn giao những nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân, nhóm hoặc tập thể lớp học sinh để chuẩn bị cho các tiết học sau. Trong giờ dạy, luôn đưa ra những thông tin, tình huống, câu chuyện từ thực tế; từ đó, yêu học sinh nhận xét, đưa ra suy nghĩ, quan điểm của bản thân.
“Khi dạy học, đôi lúc tôi đưa ra những thông tin sai để học sinh phát hiện và sửa lại thông tin cho đúng. Ngoài ra, khi cho học sinh thảo luận nhóm hoặc thảo luận cặp vẫn luôn yêu cầu học sinh có kết quả cá nhân” - cô Thanh Lan chia sẻ.
Về kinh nghiệm biên soạn đề kiểm tra, theo cô Đào Thị Thanh Lan, câu hỏi đưa ra là câu hỏi trắc nghiệm khách quan mang tính tổng hợp; kiến thức kiểm tra phủ đều, không lệch về đơn vị kiến thức nào; có những câu hỏi vận dụng gần giũ và mang tính thực tế.
Học sinh cần thu nhận kiến thức từ nhiều kênh khác nhau
Đối với học sinh, cô Lan nhấn mạnh cũng phải thay đổi cách học, từ cách học thiên về ghi nhớ, học thuộc sang học hiểu, biết cách vận dụng kiến thức; có phương pháp làm việc nhóm và phải có phương pháp học tập chuyên biệt của từng bộ môn; phải biết thu thập, xử lí và đánh giá thông tin dựa trên những kiến thức được học.
Giúp học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới, cô Đào Thị Thanh Lan đưa ra một số lưu ý trong cách học và cách ôn tập như sau:
Học sinh cần học đầy đủ và kỹ các kiến thức trên lớp; làm hết các bài tập luyện tập và vận dụng; tích cực thu nhận kiến thức từ nhiều kênh thông tin khác nhau.
Các em ghi nhớ phải luôn vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn, bởi đây là cách khắc sâu và vận dụng kiến thức một cách tốt nhất.
Đặc biệt với môn Giáo dục công dân, học sinh cần biết phân tích, tổng hợp, lí giải, nhận xét, đánh giá các hiện tượng pháp luật trong đời sống thực tiễn xã hội.