Phát
huy sáng kiến hay
Bên
cạnh việc tổ chức dạy, học và ôn tập chu đáo cho HS lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi
THPT quốc gia, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) còn quan tâm
đến những sáng kiến, cách dạy hay của giáo viên. Để huy động được “trí tuệ tập
thể” này, nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề cấp trường. Vào
những ngày giữa tháng 3, trường đã huy động được nhiều giải pháp hiệu quả sau
khi tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tăng cường công tác đổi mới quản lý và kiểm tra
đánh giá đáp ứng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017” với nhiều giáo viên cấp THPT
tham gia.
Theo
chia sẻ của Ban giám hiệu nhà trường, hội thảo tổ chức đã tìm ra các giải pháp
thiết thực, hiệu quả nhất trong công tác quản lý, giảng dạy, ôn tập, kiểm tra
đánh giá giúp HS đáp ứng tốt Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, từ đó nhà trường có
định hướng cho các năm học tiếp theo.
Theo
thầy Huỳnh Trung Cừ - Phó Hiệu trưởng nhà trường: Thông qua hội thảo, các thầy
cô được học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt để nâng cao
hiệu quả công tác quản lý tổ chuyên môn, công tác dạy, kiểm tra đánh giá, từng
bước nâng cao chất lượng học tập cho HS. Đồng thời, tạo điều kiện cho HS bổ
sung những kiến thức còn thiếu hụt và bắt kịp kiến thức, kỹ năng cần có để đáp
ứng cho kỳ thi sắp tới. Buổi hội thảo khép lại trong không khí phấn khởi, mỗi
giáo viên đã định hướng được công việc phải thực hiện trong thời gian sắp tới…
Ngay
sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố phương án thi THPT 2017, Trường THPT Tháp
Mười, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã chủ động cho HS lựa chọn tổ hợp môn thi,
sau đó sắp xếp những em chọn tổ hợp giống nhau sẽ học chung lớp. Trường tiến
hành phân công giáo viên dạy theo phương án ưu tiên giáo viên có nhiều kinh
nghiệm dạy những lớp có chọn tổ hợp môn đó.
Theo
thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng nhà trường: Trường quan tâm làm công tác tư
tưởng với thầy cô, những thầy cô nào nhiều kinh nghiệm sẽ đảm nhận trước. Còn
những thầy cô khác cũng phải tiếp tục trau dồi để nếu năm tới số HS chọn thi
môn đó nhiều sẽ có đội ngũ kế thừa.
Như
trường hợp môn Giáo dục công dân do lần đầu tiên thi nên cũng khuyến khích
những giáo viên có thâm niên và dạy tốt để dạy các lớp chọn tổ hợp các môn xã
hội. Nhà trường cũng đã tổ chức 2 lần thi diễn tập giống như Kỳ thi THPT quốc
gia để các em HS làm quen với hình thức thi. Giáo viên cũng phải thường xuyên
có những buổi họp tổ, để nghiên cứu đề thi, phương pháp giải đề, kinh nghiệm
dạy…
Tăng
cường chia sẻ bí quyết học, thi cho HS
Thầy
Lê Minh Tuấn - Giáo viên Địa lý, Trường THCS - THPT Phú Thịnh, huyện Tam Bình
(Vĩnh Long) - chia sẻ: Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có nhiều thay đổi trong phương
án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Vậy với phương án đổi mới, việc ôn
thi môn Địa lý theo hình thức tự luận như các năm đã không còn phù hợp nữa.
Thầy
Tuấn chia sẻ “bí quyết” ôn, thi với HS như sau: “Đối với môn Địa lý, thường các
em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết phải nhớ hết số liệu.
Các em có thể dựa vào số liệu có trong Atlat hoặc hoặc nhớ gần đúng để không
phải nhồi nhét học thuộc lòng. Nếu đã học xong phần kiến thức trong phần tự
nhiên, dân cư và kinh tế thì phần cuối cùng Địa lý vùng kinh tế, các em sẽ thấy
học rất đơn giản bởi trong phần này có sự lặp lại của phần kiến thức chung.
Trong
phần kinh tế vùng tổng hợp nội dung của 7 vùng vào một bảng hệ thống theo kiểu
so sánh để dễ nhớ, dễ thuộc mà không bị nhầm lẫn. Nhìn tổng thể, sách Địa lý
lớp 12 được chia ra làm 4 phần: Địa lý tự nhiên, Địa lý dân cư, Địa lý kinh tế
và Địa lý vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Trước
tiên HS cần hệ thống được kiến thức trong từng chủ đề, từng bài cụ thể…”.
Nói
về “bí quyết” ôn thi hiệu quả môn Sinh học, cô Hồ Thu Giang - Tổ trưởng Tổ Sinh
học, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (TP Cần Thơ) - cho biết: Bộ môn Sinh học nằm
trong bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên với 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan
làm bài trong 50 phút. Với hình thức thi trắc nghiệm khách quan này sẽ không có
gì xa lạ với HS.
Tuy
nhiên, kiến thức sẽ trải dài trong toàn bộ chương trình mà không nằm trọng tâm
ở một chương hay một phần nào cả. Theo định hướng của Bộ thì đề thi THPT quốc
gia năm nay sẽ nằm trong chương trình lớp 12. Đối với giai đoạn “nước rút” này
thì các em HS cần có chiến lược học tập để đảm bảo trang bị kiến thức toàn diện
trước khi bước vào quá trình ôn luyện tổng hợp.
Với
bộ môn Sinh học, các em HS có thể ôn tập theo hướng lý thuyết sẽ học theo chủ
đề. Phần bài tập lưu ý theo từng dạng: Các bài tập di truyền phân tử và bài tập
di truyền học quần thể thuộc khoa học chính xác như Toán, Lý, Hóa. Do đó HS
buộc phải nắm chắc công thức mới giải được. Bài tập quy luật di truyền thuộc
khoa học thực nghiệm, HS sử dụng lý thuyết đã học để giải thích kết quả một thí
nghiệm theo đề bài.
Điều
quan trọng nhất là phải nhận định được bài tập thuộc quy luật di truyền nào, từ
đó có thể dùng phương pháp giải nhanh để ra kết quả, đáp án (không cần viết sơ
đồ lai). Các bài tập thuộc đột biến, yêu cầu HS phải thông hiểu kiến thức lý
thuyết để xác định các dạng đột biến; có thể dùng phương pháp giải nhanh đối
với những bài tập đột biến số lượng nhiễm sắc thể.
Các
em HS cần đặc biệt lưu ý, Sinh học là môn rất dễ nhầm lẫn trong khi xu hướng ra
đề thi hiện nay là xuất hiện thêm một số dạng đếm số đáp án dễ “gây nhiễu”. Do
đó, ngoài việc nắm chắc kiến thức lý thuyết thì cần sưu tầm thêm một số dạng
bài tập có tính tổng hợp và tự làm nhiều lần để có thể rút ngắn dần thời gian
cho các dạng câu hỏi…
Theo chia sẻ của nhiều
giáo viên đang giảng dạy lớp 12, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, nội dung đề thi
chủ yếu trong chương trình lớp 12, trong đó 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến
thức nâng cao. Theo các thầy cô, “bí quyết” để đạt điểm cao là dù đề thi trắc
nghiệm hay tự luận, thí sinh phải giải từng bước một. Đối với bài giải tự luận
thì thí sinh viết kết quả ra, còn trắc nghiệm thì chọn câu đúng nhất. Dù thi
theo hình thức nào, các em phải ôn tập kiến thức cơ bản, cần tính toán và tư
duy. Để thi tốt, thí sinh cần phải ôn tập kiến thức cơ bản chương trình lớp 12
và ôn giải đề thi thực nghiệm đã công bố. Dự kiến, cuối tháng 4 đến đầu tháng
5, Bộ GD&ĐT sẽ công bố bộ đề riêng để các em tham khảo và ôn tập; thi thử
trên phần mềm online để biết kết quả sức học bản thân…