Lịch sử ra đời ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới.
Tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các công đoàn Giáo dục được thành lập. Trụ sở đầu tiên của Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục được đặt ở Pari (Pháp), sau chuyển sang Vienne (Áo) rồi sang Praha (Tiệp khắc). Từ năm 1977 đến nay đặt tại Berlin (Đức). Tháng 7 năm 1953 Công đoàn
Giáo dục Việt Nam gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này. Hiện nay Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục có trên 100 nước tham gia với 20 triệu đoàn viên. Tháng 8 năm 1954, tổ chức Công đoàn của các nhà giáo tiến bộ trên thế giới đã nhất trí thông
qua bản “Hiến chương các nhà giáo”.
Từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 8 năm 1957 tại thủ đô Varsava (Ba Lan) Hội nghị quốc tế các tổ chức của các nhà giáo lần thứ hai có 57 nước tham gia đại diện cho 105 triệu giáo viên toàn thế giới đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hàng năm là ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Ngày 20/11/1958 lần đầu tiên ngày hiến chương quốc tế các nhà giáo được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta, là ngày biểu dương nghề dạy học và những người làm nghề dạy học, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo, là dịp để học sinh, phụ huynh và xã hội, thể hiện tình cảm biết ơn và tinh thần trách nhiệm đối với nhà giáo. Ngày 20 tháng 11 còn là ngày biểu dương tinh thần hữu nghị giữa các nhà giáo tiến bộ của các nước trên thế giới.
Do tính chất và mục đích của tổ chức ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo- ngày 20 tháng 11 ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, thể theo nguyện vọng của các nhà giáo và nhân dân, chấp nhận đề nghị của Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167 – HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 “Từ nay hằng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày nhà giáo Việt Nam”. Ngày NGVN đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình Hà Nội.
Ôn lại truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam chúng ta nhớ tới lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn:“Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như giáo viên phải thật thà yêu trường mình, thật thà yêu nghề mình. Còn gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS! Người thầy tốt là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để mỗi thầy cô giáo nâng thêm niềm tự hào về nghề giáo của mình. Vì vậy mỗi thầy cô đều phải nêu cao phẩm chất thanh cao của những người làm nghề giáo. Tích cực đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cũng như cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”.
Xin mượn lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để làm lời kết và tỏ lòng tri ân đến tất cả các thầy các cô những đồng nghiệp mà tôi yêu quý: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.”