Lưu ý giúp biên soạn tốt câu dẫn
Theo tiến sĩ Phùng Thái Dương, câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn bao gồm 2 phần: Câu dẫn và các phương án lựa chọn.
Câu dẫn là câu đặt ra câu hỏi, yêu cầu học sinh thực hiện, đặt ra tình huống, vấn đề do đó khi viết câu hỏi cần giúp học sinh hiểu rõ là mình cần phải trả lời, thực hiện và giải quyết cái gì?
Để biên soạn tốt câu dẫn, tiến sĩ Dương lưu ý:
Thứ nhất: Sử dụng từ ngữ phải rõ ràng đảm bảo cho thí sinh biết được yêu cầu cần làm gì? Mục đích chúng ta kiểm tra là đánh giá quá trình học tập của học sinh do đó không nên đánh đố học sinh. Câu dẫn rõ ràng sẽ giúp các em làm bài đúng với những kiến thức, hiểu biết của mình.
Thứ hai: Không nên tạo một khoảng trống ở bắt đầu hoặc ở giữa câu hỏi. Nếu chừa khoảng trống thì sẽ gây khó khăn rất nhiều cho học sinh khi đọc và kết hợp giữa câu dẫn với phương án lựa chọn.
Thứ ba: Tránh sự dài dòng trong phần dẫn. Sự dài dòng ở phần này sẽ làm thí sinh tốn rất nhiều thời gian mà đôi khi không hiểu rõ nội dung câu hỏi là gì?
Thứ tư: Hạn chế trình bày ở dạng phủ định. Phần dẫn ở thể phủ định sẽ làm thí sinh khó khăn trong quá trình tư duy với các phương án lựa chọn.
Lưu ý khi biên soạn phương án lựa chọn
Theo tiến sĩ Phùng Thái Dương, các phương án lựa chọn chúng ta cần xây dựng phương án đúng (phương án tốt nhất) và các phương án nhiễu còn lại.
Một kinh nghiệm cho thấy phương án nhiễu phải là câu trả lời hợp lý nhưng không chính xác, nếu thí sinh không có kiến thức hoặc không đọc kỹ tài liệu sẽ cho là đúng. Còn đối với phương án đúng phải là câu trả lời chính xác, tốt nhất, thể hiện sự hiểu biết của học sinh có học bài hoặc đọc kỹ tài liệu.
Một số lưu ý khi biên soạn phương án lựa chọn tiến sĩ Phùng Thái Dương đưa ra như sau:
Thứ nhất: Phải chắc chắn có 1 phương án đúng (hoặc đúng nhất). Trong trường hơp này khuyến khích nên chọn chỉ có 1 phương án đúng để tránh sự hiểu nhằm của thí sinh.
Thứ hai: Nên sắp xếp các phương án trả lời theo một thứ tự. Việc sắp xếp các phương án trả lời không theo một thứ tự sẽ làm phức tạp thêm, làm thí sinh rối hơn trong quá trình làm bài.
Thứ ba: Hạn chế sử dụng các phương án có ý nghĩa trái ngược nhau. Nếu sử dụng phương án trái ngược nhau, thí sinh sẽ dễ đoán được câu trả lời là 1 trong 2 phương án trên. Để khắc phục điều này, nếu xây dựng theo phương án có nghĩa trái ngược nhau nên xây dựng theo phương án 2 cặp đôi.
Thứ tư: Các phương án lựa chọn phải đồng nhất theo nội dung và hình thức. Nếu có phương án quá ngắn, quá dài hoặc quá khác về mặt ý nghĩa so với các phương án khác thì thí sinh sẽ lựa chọn ngẫu nhiên phương án đó làm giảm độ chính xác của việc đánh giá.
Thứ năm: Cần hạn chế tối đa việc lập lại từ nhiều lần. Lặp lại từ nhiều lần sẽ làm câu hỏi thêm rườm rà và phức tạp thêm.
Thứ sáu: Nên viết những phương án nhiễu ở thể khẳng định. Cũng giống như câu dẫn, phương án lựa chọn cần hạn chế ở thể phủ định.
Thứ bảy: Hạn chế sử dụng phương án “tất cả” hoặc “không” có phương án nào. Nếu thí sinh không có thông tin, thường sẽ chọn phương án “tất cả” hoặc “không” có phương án nào, do đó việc đánh giá không chính xác.
Để có những câu hỏi trắc nghiệm khách quan tốt bên cạnh những vấn đề yêu cầu đối với câu dẫn, phương án chọn ở trên, tiến sĩ Phùng Thái Dương nhấn mạnh thêm những yêu cầu như:
Dùng từ vựng một cách nhất quán; các câu phải độc lập với nhau; tránh dựa trên quan điểm cá nhân; tránh sử dụng cụm từ nguyên văn trong sách giáo khoa; tránh sự khôi hài và không phù hợp với tình hình thực tế.
"Đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2017 môn Địa lý thuộc bài thi Khoa học xã hội với hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 50 phút.
Để có thể giảng dạy tốt trong giai đoạn hiện nay, giáo viên Địa lý cần phải rõ một số vấn đề liên quan đến việc biên soạn câu hỏi thi và đề thi trắc nghiệm khách quan như:
Đề thi minh họa môn Địa lý; quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và viết trắc nghiệm khách quan; mức độ nhận thức của các câu hỏi; xây dựng ma trận và biên soạn các đơn vị kiến thức; biên soạn câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (lời dẫn và phương án lựa chọn)".