Chuyên môn, nghiệp vụ là thước đo giá trị của mỗi một cán bộ giáo viên. Một nhà giáo giỏi phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng bên cạnh nhân cách trong sáng, lối sống mẩu mực, mô phạm, giản dị. Chỉ có vậy mới đảm nhận tốt vai trò trồng người, vai trò gieo hạt nhân cách, ươm mầm tài năng, mới có thể trở thành tấm gương sáng, điểm tựa tinh thần cho người học trên hành trình tìm kiếm tri thức, tìm kiếm niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Bởi thế học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là việc làm thường xuyên liên tục, không ngừng nghĩ.
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, mỗi thời khắc đi qua, là thế giới đã đổi khác, nếu chúng ta không làm mới mình, không bắt kịp thời đại, sẽ tụt hậu, sẽ thụt lùi trước xã hội, thậm chí nguy cơ tụt hậu trước người học, bởi học sinh chúng ta bây giờ khác xa ngày trước, chúng có thể học bất cứ đâu và bất cứ khi nào. Nhà nghiên cứu giáo dục Xukhomlenxki đã từng nói “ Chúng ta cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người”. Rõ ràng chúng ta phải là những con người toàn diện bởi nhiệm vụ của chúng ta là đánh thức năng lực tiềm ẩn, khám phá, bồi dưỡng tâm hồn, dẫn dắt các em tiếp cận, chiếm lĩnh chân lí. Thầy giỏi thì trò mới giỏi. Với vai trò quan trọng và thiêng liêng như vậy, người thầy không thể không ý thức sâu sắc về chuyên môn nghiệp vụ hiện tại của mình, để không ngừng bồi dưỡng, nghiên cứu tự hoàn thiện.
Nói thì dễ nhưng thực hiện là cả một vấn đề, một hành trình gian nan, đòi hỏi mỗi thầy cô phải chịu khó, phải miệt mài, nhiệt huyết đam mê vượt lên chính mình theo thời gian và năm tháng. Giáo viên nói chung đã vất vả, giáo viên nữ chúng ta càng khó khăn hơn, bởi sau lưng ta là cả một gánh giang san ở nhà. Vai trò nội tướng có kém gì vai trò “nhạc trưởng” giàn giao hưởng lớp học. Làm thế nào để sắp xếp hiệu quả đồng thời cả hai, đó là cả một nghệ thuật, một sự tổng hợp kĩ năng sống, kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng làm vợ làm mẹ…và trên hết vẫn là tình yêu nghề, yêu trẻ, yêu cuộc sống của mỗi chúng ta.
Học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ có nhiều cách, tùy theo điều kiện, khả năng từng người, nhưng có thể quy lại những con đường sau:
- Trước hết phải thường xuyên trao đổi chuyên môn, thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn vướng mắc, những bài dài, bài khó, bài hay. Bàn bạc thảo luận tìm cách tiếp cận, khai thác hợp lí nhất để học trò có thể chiếm lĩnh nhanh và hiệu quả. Thực hiện thể nghiệm chuyên đề, chuyên đề chọn thực nghiệm phải phù hợp thiết thực, tiến hành dạy thể nghiệm, dự giờ trao đổi rút kinh nghiệm. Học kì 1 vừa qua tổ Văn chúng tôi có tiến hành một chuyên đề về dạy tiết đọc văn:Tạo hứng thú cho tiết đọc văn từ khâu đọc và đọc diễn cảm. Chuyên đề đã thực hiện bằng tiết dạy thể nghiệm có dự giờ rút kinh nghiệm, khá hiệu quả.
- Bên cạnh đó thường xuyên dự giờ rút kinh nghiệm đồng nghiệp cũng là một cách trau dồi học hỏi nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Sau các tiết dự cần thẳng thắn nhận xét, đánh giá ưu nhược điểm, ưu điểm để khích lệ, nhược điểm để khắc phục sữa chữa, từ đó giúp người dạy tiến bộ hơn, đồng thời người dự cũng rút ra những bài học cho mình.
- Thứ hai là việc tự học tập nghiên cứu, tự bồi dưỡng. Theo tôi hoạt động này là quan trọng, hữu hiệu nhất. Nó phải diễn ra thường xuyên, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu có thể sắp xếp được. Cụ thể: đọc tài liệu, sách báo chuyên môn, tài liệu có thể mượn ở thư viện, có thể mua thêm ở ngoài. Dù bận đến đâu mỗi ngày mình cũng nên dành ra một ít thời gian để đọc, nghiên cứu, tìm hiểu một thông tin nào đó liên quan, tạo thành một thói quen. Khi trở thành thói quen sẽ là niềm vui. Ngoài tài liệu chuyên môn, theo dõi báo chí hằng ngày cập nhật kiến thức xã hội, làm mới mình cũng là điều cần thiết. Phương tiện thông tin ngày nay thật dễ dàng, lên mạng là có tuốt. Chúng ta phải tận dụng triệt để công nghệ thông tin để khám phá khai thác. Viết bài gửi trang wed, viết sáng kiến kinh nghiệm cũng là một cách nâng cao trình độ chuyên môn hữu hiệu.
- Thứ ba ta nên tham gia các lớp học trên chuẩn nếu có điều kiện. Dẫu biết rằng giáo viên chúng ta nói chung và đặc biệt là giáo viên nữ bận rộn rất nhiều, vô vàn những công việc không tên đang đợi ta đằng sau trang giáo án. Và đôi lúc nghĩ rằng học như thế đủ rồi, tạm bằng lòng với chính mình. Nhưng thực tế cuộc sống luôn luôn biến đỗi, ta cũng phải cố gồng mình lên để bắt nhịp. Học không bao giờ thừa. Việc học sẽ mang đến cho chúng ta những kiến thức hữu ích khi cần. Nên các chị em, đặc biệt các giáo viên trẻ, hãy nổ lực tham gia. Trường mình thời gian gần đây cũng có nhiều nữ giáo viên đã vượt hoàn cảnh khó khăn tham gia tốt việc học cao học: Cô Nga- Lý, cô Ký-tổ Hóa Sinh, cô Hằng-tổ Văn…Và đã học là học nghiêm túc, có hiệu quả. Cố gắng sưu tầm đi sâu những vấn đề liên quan đến chương trình THPT, thiết thực cho việc dạy học của mình.
Chuyên môn là nền tảng quan trọng, nghiệp vụ lại là yếu tố then chốt. Willam A. Warrd từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Truyền cảm hứng để nhen lên niềm đam mê, nhiệt huyết ở người học, truyền cảm hứng để tạo hứng thú ở học sinh-điều quan trọng quyết định hiệu quả giờ học. Muốn vậy người thầy phải linh hoạt năng động trong sử dụng kết hợp các phương pháp, tự tin chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt trái tim biết truyền lửa, lửa của lòng yêu nghề, lửa của nhiệt huyết đam mê, lửa của tình yêu thương. Làm được như thế, ắt có hiệu ứng tốt.
Những giáo viên thân yêu. Trên hành trình tri thức, hành trình trồng người, chúng ta phải gánh trên vai biết bao vất vả nhọc nhằn, có lúc tưởng chừng gục ngã. Nhưng hãy gác lại mệt nhọc và nhìn về phía trước, chân trời vẫn rạng đông-cuộc sống vẫn đang mỉm cười, học trò vẫn khao khát đợi ta, hãy nhẫn nại cố gắng, tích cực, chủ động sáng tạo hơn nữa, vượt lên chính mình để gặt hái thành công. Hãy luôn tự hào rằng “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học” Comenxki.