Hoàn thiện thư viện câu hỏi các môn khoa học tự nhiên dùng chung
Trao đổi về kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, theo ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT - thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá là một nội dung quan trọng. Việc đánh giá được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.
Theo đó, chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh, đánh giá quá trình (đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua sản phẩm dự án, bài thuyết trình); kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học.
Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của học sinh; coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em trong quá trình dạy học. Việc kiểm tra, đánh giá không chỉ là việc xem học sinh học được cái gì mà quan trọng hơn là biết học sinh học như thế nào, có biết vận dụng không.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, bên cạnh thực hiện ra đề kiểm tra căn cứ vào hướng dẫn biên soạn của Bộ GD&ĐT, Khánh Hòa đồng thời tăng cường hoàn thiện và bổ sung cho thư viện câu hỏi các bộ môn khoa học tự nhiên dùng chung cho tổ bộ môn trong từng năm học.
Từng bước nâng cao chất lượng các bài kiểm tra, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường, đặc điểm của học sinh để kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, tập huấn của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng ma trận, đề kiểm tra cho các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, học kỳ theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Không dạy chay, cương quyết chống chuyển từ “đọc - chép” sang “nhìn - chép”
Lưu ý đến hoạt động thí nghiệm, thực hành và tăng cường sử dụng công nghệ thông tin cũng là yếu tố được quan tâm nhằm đổi mới sử dụng phương tiện dạy học, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Tại Khánh Hòa, ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ, các nhà trường đều tăng cường việc sử dụng đồ dùng dạy học, thiết bị, thí nghiệm trong giảng dạy, chống “dạy chay”. Việc sử dụng thiết bị, thí nghiệm theo định hướng chủ yếu là nguồn để học sinh nghiên cứu, khai thác, tìm tòi kiến thức. Hạn chế sử dụng thiết bị để minh họa hình ảnh mà không có tác dụng khắc sâu kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các bài thực hành thí nghiệm đã được quy định trong chương trình và những thí nghiệm trong bài học của sách giáo khoa.
“Đối với các trường chưa có phòng học bộ môn, Sở GD&ĐT yêu cầu xây dựng kế hoạch thống nhất trong tổ chuyên môn sử dụng tối đa cơ sở vật chất và dụng cụ, hóa chất tại đơn vị để chuyển các thí nghiệm trong bài thực hành vào các tiết học có nội dung kiến thức tương ứng dưới hình thức thí nghiệm nghiên cứu hoặc thí nghiệm biểu diễn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng thiết bị, thí nghiệm, thực hành.
Các trường THPT cần xây dựng kế hoạch và chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi về nội dung thí nghiệm, thực hành các môn khoa học tự nhiên” - ông Lê Tuấn Tứ cho hay.
Cùng với các hoạt động thí nghiệm, thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được đẩy mạnh. Việc này được thể hiện qua việc các nhà trường lập kế hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học tự nhiên; tăng cường sử dụng các phần mềm dạy học mới phù hợp với từng nội dung kiến thức cụ thể trong sách giáo khoa.
Khi ứng dụng công nghệ thông tin, luôn lưu ý đến tính hiệu quả, tránh hiện tượng lạm dụng và mang tính hình thức, cương quyết chống hiện tượng thay từ hình thức “đọc – chép” sang “nhìn – chép”.
Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu
Với giải pháp này, ông Lê Tuấn Tứ cho biết, để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, tại các trường THPT ở Khánh Hòa, tổ chuyên môn được yêu cầu có kế hoạch phát hiện và bồi dưỡng cho học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên ngay từ đầu năm học để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Khuyến khích và hướng dẫn học sinh tích cực tham gia các cuộc thi trên mạng internet do Bộ GD&ĐT tổ chức như: Giải toán trên Internet, Tiếng Anh trên internet, Vận dụng kiến thức liên môn…. Ngoài ra, tổ chuyên môn cần tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh dưới hình thức ngoại khoá, chuyên đề...
Việc tổ chức báo cáo các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, đúc rút kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên luôn được thực hiện qua các đợt tập huấn, hội thảo hàng năm. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên về kĩ năng, phương pháp, tài liệu… cũng luôn được chú trọng.
Với học sinh yếu, các nhà trường sẽ căn cứ kết quả khảo sát đầu năm để phân loại đối tượng học sinh, phối hợp với nhà trường và phụ huynh lên kế hoạch giúp đỡ, phụ đạo học sinh yếu, kém ngay đầu năm học nhất là đối với học sinh cuối cấp, học sinh các trường ngoài công lập, vùng sâu, vùng xa. “Cách làm này thực sự phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng các môn học” - ông Lê Tuấn Tứ nhận định.
“Để nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học tự nhiên, Sở GD&ĐT Khánh Hòa yêu cầu các tổ chuyên môn làm tốt công tác quản lý, tổ chức thực hiện bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên qua dự giờ, qua sinh hoạt tổ, sinh hoạt cụm chuyên môn. Trường THPT chủ động lập kế hoạch, tổ chức hội nghị chuyên đề bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học các môn khoa học tự nhiên. Những hoạt động chuyên đề tập trung vào đổi mới phương pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác giảng dạy, nâng cao hiệu quả trong đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh”.