Để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn; đồng thời hướng tới kỳ thi THPT quốc gia đạt kết quả tốt, Sở GD&ĐT Phú Yên đã có những lưu ý rất cụ thể đến các nhà trường, các thầy cô giáo về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học với hai môn học này.
Trong đó nhấn mạnh: Tránh việc dạy học theo lối đọc – chép, nhìn – chép thuần túy dưới mọi hình thức. Sử dụng có hiệu quả phương pháp dạy học truyền thống kết hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc hỗ trợ bài dạy. Cần xem CNTT là phương tiện hỗ trợ đắc lực cho bài dạy chứ không thể xem đó là một phương pháp dạy học mới thay thế hoàn toàn cho vai trò của giáo viên.
Không cứng nhắc phải dạy đủ trình tự các bước trong bài dạy
Lưu ý liên quan đến hệ thống câu hỏi trong bài dạy, ông Ngô Ngọc Thư - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên - cho rằng phải vừa sức, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Không nên đặt câu hỏi quá khó, vượt khả năng tư duy của học sinh như “đánh giá, nhận xét, phân tích…”, nhưng cũng không quá đơn giản như “ai lãnh đạo? chiến thắng nào? bao giờ?...”.
Tuy nhiên, cần phải có một số câu hỏi nâng cao nhằm phân loại học sinh và kích thích khả năng tư duy của một số học sinh khá, giỏi. Cần tránh trình trạng giáo viên chưa giảng, chưa trình bày sự việc hoặc học sinh chưa được tìm hiểu bài học mà đã đặt câu hỏi cho học sinh.
Cách đặt câu hỏi như vậy là trái với đặc trưng bộ môn, buộc học sinh phải nhìn vào sách giáo khoa để trả lời chứ hoàn toàn không hiểu gì về câu hỏi mà giáo viên vừa đặt ra.
Với việc xác định mục tiêu, nội dung trọng tâm bài dạy, ông Ngô Ngọc Thư cho rằng, cần phải xác định mục tiêu cuối cùng của bài dạy là học sinh hiểu bài như thế nào qua bài học, chứ không phải là bài dạy phải đầy đủ trình tự các bước, có sử dụng đầy đủ các phương pháp, không “ướt”, “cháy” … là được.
Không nhất thiết tiết nào cũng phải học theo nhóm
Lưu ý, không nhất thiết tiết học nào cũng sử dụng phương pháp hoạt động nhóm, ông Ngô Ngọc Thư nêu rõ: Tùy theo yêu cầu, nội dung của bài học, giáo viên tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh.
Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài ở nhà theo nhóm, sau đó vào tiết học giáo viên mời đại diện từng nhóm trình bày kết quả tìm hiểu và cho nhóm khác nhận xét, bổ sung, qua đó hoàn thiện nội dung bài học và sẽ làm giảm tối đa hoạt động của giáo viên.
Tăng cường thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo
Chia sẻ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Phú Yên về việc sử dụng đồ dùng dạy học, ông Dương Bình Luyện – Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Phú Yên - cho biết: Giáo viên cần tăng cường trang thiết bị dạy học và tài liệu tham khảo, sưu tầm tài liệu, vấn đề cập nhật sự kiện số liệu...
Việc sử dụng đồ dùng dạy học phải đảm bảo yêu cầu: Tính khoa học, tính trực quan và tính thẩm mĩ giáo dục.
Để giờ dạy chủ động, giáo viên phải chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, các phương tiện từ những chiếc đinh treo bản đồ, nam châm,... đến các đồ dùng dạy học hiện đại.
Việc đưa hình ảnh, biểu đồ, bản đồ động, đoạn phim… sẽ làm cho bài học sinh động hơn. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh khai thác đoạn phim, hình ảnh…giảm bớt cảm giác nhàm chán và kiến thức được khắc sâu hơn.
Tuy nhiên việc ứng dụng CNTT phải hài hòa với việc ghi chép của học sinh và phù hợp với thời lượng của tiết học để tránh trình trạng “cháy” giáo án và cũng không nên quá lạm dụng CNTT như tạo nhiều hiệu ứng lạ mắt, màu mè về phông nền – phông chữ…dẫn đến trình trạng học sinh bị phân tâm.
Việc ghi bảng khi có sử dụng CNTT, giáo viên nên thực hiện một cách linh động, sáng tạo; không nên ghi quá chi tiết (chiếm nhiều thời gian) nhưng cũng không thoát li hoàn toàn bảng đen phấn trắng.
Lưu ý trong củng cố bài học
Với nội dung này, quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Phú Yên là: Đặc điểm của bộ môn lịch sử là kiến thức không lặp lại: nghĩa là trong một cấp học, học sinh chỉ được học kiến thức đó 1 lần duy nhất, những bài sau không lặp lại nữa. Điều này gây khó khăn trong việc ghi nhớ, do đó trong dạy học lịch sử.
Giáo viên cần cố gắng đến việc củng cố bài học cho học sinh, giúp cho các em nhớ nhanh, bền vững kiến thức lịch sử đã học. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi học sinh coi trọng các môn khoa học tự nhiên hơn; trong khi đó bài tập lịch sử về nhà lại rất ít thậm chí không có.
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Phú Yên: Trong giờ học, giáo viên nên tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa thầy và trò nhiều hơn nữa để góp phần khắc phục tình trạng nhàm chán bộ môn của học sinh. Quan tâm hơn đối tượng học sinh yếu kém, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra vở bài tập, bài soạn của học sinh.