Đề thi minh họa có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn, và có 1 phương án trả lời đúng. Đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và khoảng 40% câu hỏi vận dụng để phân hóa, phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nội dung đề thi trắc nghiệm thường rất rộng và nằm trong tất cả các bài học (trừ những phần giảm tải - không học). Bởi vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi HS cần phải học đều và rộng. Nếu HS học tủ hoặc coi trọng bài này xem thường bài kia thì kết quả thi sẽ không như ý muốn.
Với các em, ngoài việc nắm vững các khái niệm, định nghĩa, nội dung trong sách giáo khoa, HS phải vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi.
Khi ôn luyện, HS nên học theo từng bài. Mỗi bài cần chú ý đến nội dung tích hợp về các lĩnh vực như: Vấn đề phòng chống tham nhũng, giao thông, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Với giáo viên, trong từng bài học, tiết dạy, bên cạnh việc truyền đạt đầy đủ nội dung kiến thức, giáo viên cần phải đưa ra nhiều tình huống thật gần gũi với cuộc sống để HS nhận xét, xử lý, lựa chọn.
Sau mỗi tình huống, giáo viên chỉ ra cho HS thấy được vấn đề đúng, sai. Thông qua mỗi tình huống, đối chiếu với nội dung bài học, HS đưa ra phương án để giải quyết. Làm theo cách này HS vừa rất thích vừa giúp các em bám sát đề thi mà mình sắp phải thi.
Sau mỗi tiết dạy, giáo viên cũng cần dành ít phút để củng cố bài học bằng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm khách quan để HS từng bước làm quen với đề thi.
Điều quan trọng nhất là giáo viên phải tự đổi mới mình, phải đầu tư, nghiên cứu, hợp tác với các giáo viên trong tổ bộ môn để xây dựng đề cương, xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm khách quan theo từng bài học nhằm cung cấp cho HS sau mỗi tiết dạy để các em dần tiệm cận với đề thi THPT quốc gia sắp tới.