Một nghiên cứu của GS TS Dương Nghiệp Chí, Viện Khoa học Thể dục Thể thao cho biết: chiều cao thân thể của thanh niên 18 tuổi hiện nay phát triển tốt hơn năm 1975, đạt nhịp độ phát triển nhanh hơn quy luật chung; sau 25 năm trung bình tăng 4,7 cm đối với nam và 4 cm đối với nữ (theo quy luật chỉ tăng khoảng 2,5 cm).
Tuy nhiên chiều cao thân thể trung bình của thanh niên nước ta hiện nay mới ở mức 163,7 cm với nam và 159 cm đối với nữ, còn thua kém chuẩn quốc tế 13,1 cm đối với nam và 10,7 cm đối với nữ. Vì vậy chương trình nâng cao thể lực và tâm vóc người Việt Nam là hết sức cần thiết.
Ở nước ta hiện nay, số học sinh phổ thông độ tuổi từ 6 đến 18 chiếm 1/4 dân số, vì vậy giáo dục thể chất và dinh dưỡng học đường góp phần không nhỏ vào sự phát triển thể chất của trẻ, nhất là khi trẻ ở độ tuổi 11 đến 15 - thời kỳ phát triển nhanh nhất về tầm vóc và thể trọng con người. Nếu các bậc phụ huynh thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ thì sẽ thấy với trẻ em gái ở lứa tuổi dậy thì 11 đến 14 tuổi, có năm các em tăng đến 12-18 cm về chiều cao và cân nặng tăng từ 4 đến 6,7 kg; các em trai vào tuổi 15-17 tăng nhanh đến 15-17 cm/năm và cân nặng cũng tương đương.
Nếu trong thời gian tăng nhanh về chiều cao như vậy, chế độ dinh dưỡng cho các cháu không đủ dễ dẫn đến đau nhức xương khớp và các cháu bị hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí có những cháu lớn nhanh đến mức khiến các bậc cha mẹ lo lắng, phải đưa đến bệnh viện khám... Để thế hệ trẻ có sự phát triển đồng đều về thể chất, ngoài việc nâng cao chế độ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các em được sống trong môi trường trong lành, việc tập thể dục trong nhà trường và hoạt động năng động ngoài nhà trường đã góp phần rất lớn trong nâng cao thể chất cũng như tư chất của các em.
Tuy vậy, hiện nay việc dạy và học thể dục ở trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Số trường tiểu học dạy có chất lượng môn thể dục chỉ chiếm từ 6-8%, phổ thông cơ sở 25%, phổ thông trung học 70%. Ở nhiều trường, môn học thể dục còn mang tính hình thức vì thiếu sân bãi: hệ tiểu học chỉ có 20% có đủ sân bãi tập, PTCS là 40%, PTTH là 55%. Thành phố Hà Nội là địa bàn thiếu sân chơi và sân tập cho môn thể dục, nhất là các quận nội thành. Thầy và trò ở các trường PTCS: Trưng Vương, Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Tây Sơn, Tân Trào... của quận Hoàn Kiếm thường xuyên phải mượn công viên, hè đường làm địa điểm học môn thể dục.
Học sinh trường tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) còn phải tập trung vào lớp ở ngoài hè đường vì sân trường quá chật, không đủ chỗ cho các lớp xếp hàng. Như vậy việc dạy môn thể dục rõ ràng phải “tùy tiện biện lễ“. Các bậc phụ huynh và người dân được chứng kiến các em chạy, nhảy cao, nhảy xa thiếu các phương tiện bảo hộ... Theo đúng quy trình thì nhảy xa phải có hố cát, nhảy cao phải có hoặc là hố cát hoặc là bệ đỡ bằng mút xốp, nhưng vì học ở công viên, hè đường nên thầy trò đành chấp nhận.
Dạy và học trong điều kiện như vậy đương nhiên chất lượng không thể cao, nếu không nói là không đảm bảo tính khoa học. Bên cạnh đó, nhiều trường vẫn coi môn thể dục là môn phụ, ít chú trọng đến chất lượng giảng dạy của thầy và học tập của trò. Đặc biệt các trường tiểu học còn rất thiếu giáo viên chuyên trách dạy môn thể dục, hầu hết các giáo viên phải dạy kiêm nhiệm nên các giờ học thể dục không thể theo đúng chương trình đề ra.
Nhiều công trình khoa học cho thấy giáo dục thể chất còn góp phần tạo dựng cơ sở cho sự phát triển cơ thể toàn diện, hoàn thiện hình thái hình thể, tư thế, sức khỏe và hình thành các kỹ năng vận động, góp phần rèn luyện và hình thành nhân cách cho học sinh. Đây chính là vấn đề khoa học mà môn thể dục đạt tới và đạt được nếu được daỵ và học đúng như yêu cầu của bộ môn, nhưng chúng ta chưa làm được. Để học sinh tiểu học phát triển toàn diện các tố chất thế lực, hình thức vận động không chỉ bằng các bài thể dục 8 động tác, tập đi tập đứng, mà còn qua các trò chơi vận động hết sức sinh động, nhưng phải có sân, có dụng cụ dạy và học.
Học sinh PTCS, PTTH phát triển tố chất nhanh mạnh, qua các vận động tích cực hàng ngày, hàng tuần với các môn mang tính đại chúng và có hiệu quả giáo dục cao như chạy, nhảy cao, nhảy xa, bơi, đá cầu, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá... trong giờ nội khóa và ngoại khóa mỗi tuần từ 4 đến 6 giờ học. Với các em bậc PTCS và PTTH, các em không chỉ học thể dục trong nhà trường mà còn có thể tổ chức thành từng nhóm tham gia các câu lạc bộ thể dục thể thao, các Trung tâm thể dục thể thao cấp quận huyện, tỉnh, thành phố hoặc các câu lạc bộ thể dục thể thao tư nhân...
Trong điều kiện còn thiếu cơ sở vật chất như hiện nay, ngành giáo dục cần có chế độ riêng cho đội ngũ giáo viên chuyên trách môn thể dục để họ dạy được tốt hơn, có chất lượng hơn. Riêng bậc tiểu học, khi chưa đủ giáo viên chuyên trách, giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm dạy cả môn thể dục cần được bồi dưỡng, tập huấn thêm để có đủ điều kiện dạy môn kiêm nhiệm có chất lượng cao, góp phần nâng cao thể chất của các em trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi.