Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 tại làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan nổi tiếng là một lương thần, một danh nho, ông còn là một thi sĩ tài hoa. Trước tác Phùng Khắc Khoan để lại xứng đáng tầm vóc một tác gia lớn của nền văn học sử Việt Nam. Cho đến nay, giới sưu tầm đã xác định được trên 500 tác phẩm như văn tế, văn bia, kinh truyện… nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Nhiều tác giả, nhà nghiên cứu còn khẳng định Phùng Khắc Khoan từng tham gia viết sử, viết sấm ký, sách dịch lý, bói toán và sách bàn về việc dùng binh… Tác phẩm còn lại của Phùng Khắc Khoan hiện nay tiêu biểu là bốn tập thơ chữ Hán: Ngôn chí thi tập, Huấn đồng thi tập, Đa thức tập, Mai lĩnh sứ hoa thi tập. Chỉ riêng với bốn tập thơ trên đã khẳng định và tôn vinh tầm vóc Phùng Khắc Khoan, danh nhân thi sĩ từng được nhân dân yêu mến phong tặng là Trạng Bùng.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan sinh năm Mậu Tí (1528), mất năm Quý Sửu (1613), đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Canh Thìn (1580) thời Lê - Trịnh. Cuộc đời làm quan của Phùng Khắc Khoan khá thăng trầm nhưng luôn thể hiện sự liêm chính cương trực vì nước vì dân được các đồng liêu nể phục, các đời vua trọng dụng. Phùng Khắc Khoan làm quan đến chức Hộ bộ thượng thư, Quốc Tử Giám tế tửu, từng làm Chánh sứ sang Bắc quốc (1597 - 1598). Trạng Bùng nổi tiếng với thơ văn thần thông của mình khi đi sứ. Tại kinh đô nhà Minh, khi giao thiệp với vua tôi của họ, các sứ thần Nhật Bản, Triều Tiên… vô cùng kính nể tài thơ và tài biện bác của Trạng Bùng. Thơ văn Phùng Khắc Khoan thể hiện rõ tâm trạng chung của tầng lớp trí thức đương thời, mong muốn được cống hiến, nhập cuộc để vực kỷ cương, xây đạo đức, trị loạn, an dân mà nổi bật là lý tưởng “Vua thánh tôi hiền, thái bình thịnh trị”. Từ những bài thơ đầu tiên khi còn là một thiếu niên, Phùng Khắc Khoan đã sớm bộc lộ ý chí của mình: Nam nhi tự hữu hiển tượng sự/ Khẳng tác ngang tàng nhất trượng phu (Tự thuật). Cái khẳng khái của thân trai muốn nêu tiếng thơm, vẻ vang cho cha mẹ, tổ tông ấy dường như là tư duy xuyên suốt thơ văn của Trạng Bùng.
Thơ Phùng Khắc Khoan thể hiện rất rõ ý chí của bậc trung quân, ái quốc. Ông ví mình như “Côn bằng cất cánh siêu thăng”, “Nở đầu ba xuân, có chí khôi nguyên”, “Đối với nước làm trung thần”, “Chí nam nhi cốt ở tứ phương”… đã cho thấy rõ phương lược tiến thủ khác hẳn người thường. Điều này cũng lý giải tại sao khi nhà Mạc tiếm quyền gây loạn ông đã không chịu ra làm quan, mặc dù khi ấy vương triều này đang ở cái thế ổn định. Điều đó cho thấy việc xuất xử của họ Phùng là rất cẩn trọng.
Năm 1553, khi lặn lội vào Thanh Hóa tham gia sự nghiệp trung hưng nhà Lê, Phùng Khắc Khoan đã bộc lộ rất rõ tâm trạng phấn chấn, khẳng khái của mình: Tá hành trí tại hiển dương tụy/ Nham hiểm khê thâm khởi đạn lao (Tạm dịch: Chuyến này dương hiển danh nhân - Đèo heo suối thẳm, gian truân xá nào). Phùng Khắc Khoan trong công cuộc trung hưng đã được tin dùng. Đó là thời gian Trạng Bùng đã thể hiện rực rỡ chữ tài, chữ tâm với đất nước. Đó cũng là quan điểm nhất quán về hành đạo. Ông đã dốc ra cái sở đắc của mình phục vụ vương triều.
Năm Đinh Tị (1557), khi 30 tuổi mới lều chõng đi thi ở Yên Định - Thanh Hóa và đỗ thủ khoa. 23 năm sau (1580), ông quan Phùng Khắc Khoan đi thi Hội và đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Trong lịch sử thi cử các triều đại phong kiến Việt Nam, hiếm có một ông quan tuổi ngoài 50 lều chõng đi thi và đỗ cao như Phùng Khắc Khoan. Cũng cần khẳng định, sự nghiệp và danh vọng mà ông có được, có lẽ phần lớn là do tự học, chính xác hơn là học từ thực tiễn. Việc đi thi của ông quan Phùng Khắc Khoan không những gây dư luận đương thời mà người đời sau còn không ngớt nhắc đến. Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút viết: “Đầu đời Trung Hưng có Phùng Khắc Khoan đã là bậc công thần, tham mưu chốn cơ mật, đã từng giữ những trọng chức ở các bộ, các tự, mà còn phải hạ mình xuống chốn trường thi, cầu lấy đỗ đại khoa mới cho là vinh”. Cho thấy, người đời sau đánh giá về ông cũng rất trân trọng vậy.
Là một mệnh quan triều đình, Phùng Khắc Khoan không những thấu hiểu mọi ràng buộc, thâm trầm trong chốn triều chính mà ông còn luôn mở lòng hướng đến nhân dân. Trong cuộc đời làm quan 50 năm của mình, ông được biết đến với những đóng góp quan trọng trong chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa được nhân dân hết sức ngưỡng mộ. Sau này, nhiều giai thoại dân gian cũng từ đó mà sinh ra. Sinh thời, ông rất quan tâm đến nông nghiệp, thủy lợi, thời tiết, mùa màng. Ông luôn luôn mong mỏi “Mùa màng tươi tốt, các loại lúa bội thu; Cấp túc cho người già cả ở thôn làng thêm tuổi thọ”. Thơ văn với Phùng Khắc Khoan không riêng để bộc lộ chí hướng, hành đạo mà còn là chỗ để ông cởi mở tâm tình, hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với nhân dân. Trong thơ ông, con người và thiên nhiên luôn hài hòa, nhịp nhàng, rất tinh tế nhưng cũng rất sẻ chia, trước sau như một. Mảng văn chương bang giao vệ quốc của Trạng Bùng khi đi sứ phương Bắc cũng rất đặc sắc. Đây đồng thời cũng là những cống hiến lớn của Phùng Khắc Khoan trên mặt trận ngoại giao. Lê Quý Đôn, một bậc lương thần đồng thời cũng là một sứ thần nổi tiếng thời sau, khi bàn về việc này đã viết: “Phùng Khắc Khoan phụng mệnh đi sứ, tuổi đã ngoài 70, không những biện bạch quang minh chính đại, đạo đạt được mệnh lệnh của vua, làm mạnh mẽ được thể chế trong nước, đến như 30 vần thơ dâng mừng thánh tiết và hơn 10 vần thơ đáp lại chánh phó sứ nước Triều Tiên, Nhật Bản tài tứ chứa chan, cách điệu tươi đẹp, y như lúc còn trẻ tuổi. Như thế chả phải là được linh khí núi sông giúp đỡ đấy ư?”.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một danh nhân đặc biệt. Ông thành danh ở nhiều lĩnh vực. Riêng với thơ ca, ông có nhưng đóng góp không nhỏ. Năm tháng thời gian đi qua, lớp hậu thế càng trân trọng và đồng cảm với văn chương của ông. Tình cảm của nhân dân quê hương với thi sĩ họ Phùng ngày càng nồng đượm. Từ một trí thức biết chọn đúng đường; từ một học trò tự học, được học các bậc danh nho biết xuất xử, tiến lui, công danh, tiết tháo đủ đầy; từ một người con bình dị Kẻ Bùng, Phùng Khắc Khoan dần khẳng định mình nơi trung tâm quyền lực, làm dường cột quốc gia, trọng thần của triều đình trải mấy triều vua chúa, không chỉ lẫy lừng trong nước mà còn vang danh Bắc quốc, lân bang đủ cho thấy tài năng và đức độ của ông quả là hiếm có.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của cụ, hàng năm, vào ngày 24/9 âm lịch, con cháu dòng họ Phùng Khắc và nhân dân xã Phùng Xá đều tổ chức làm giỗ cụ Trạng Bùng.