Nhiều năm giảng dạy, cô Thân Thị Thu Hiến – Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) – cho rằng: Dự giờ đồng nghiệp và đồng nghiệp dự giờ mình là việc nên làm, là hoạt động chuyên môn thường xuyên của người giáo viên, bởi những ý nghĩa to lớn mà dự giờ đem lại cho mỗi giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ.
Bản chất tốt đẹp của nó là được học và học được nhiều thứ sau khi tự trải nghiệm hoặc từ đồng nghiệp. Mỗi lần có người dự giờ dạy của mình hoặc mỗi lần đi dự giờ thầy cô khác, bản thân sẽ ngộ ra một số vấn đề mình được và chưa được, để phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu…
Với sự cọ xát thực tế đó, dự giờ chắc chắn làm cho người giáo viên ngày càng tự tin, vững vàng hơn chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít giáo viên ngại, thậm chí lo lắng và căng thẳng khi có người dự giờ dạy của mình. Vậy điều gì cản trở họ? Phải chăng do giáo viên ngại chuẩn bị bài, lo sợ giờ dạy của mình không tốt, ngại phải rút kinh nghiệm?...
Lí do chính, theo cô Thân Thị Thu Hiến là giáo viên cảm thấy chưa hoàn toàn thoải mái khi nghe nhận xét từ đồng nghiệp hoặc mình nhận xét đồng nghiệp khác.
“Chỉ ra cái hay cái dở của bài dạy và của người dạy là nên làm. Nhưng điều làm cho chúng ta băn khoăn là thái độ góp ý. Thực tế, có người nhận xét chân thành, thiện chí, thẳng thắn, chỉ ra ưu điểm và nhược điểm rõ rang, hướng dẫn cách khắc phục một cách có trách nhiệm. Nhưng cũng có người nhận xét qua quýt, rất đại khái, chung chung…; thậm chí là chỉ trích, soi mói khuyết điểm, nói những điều vụn vặt…
Hệ quả này xuất phát từ quan niệm đã thành lối mòn, xem dự giờ là quan sát cách dạy của giáo viên, đánh giá trình độ giáo viên. Điều này đã thể hiện sẵn ở các mục đặt ra định lượng hiệu quả giờ dạy trong phiếu dự giờ.
Nếu vẫn dự thói quen dự giờ qua loa, hình thức thì quan hệ giữa đồng nghiệp sẽ là né trách, khó chia sẻ, làm cho sự kết nối tương trợ giữa các thành viên trong mỗi tổ lỏng lẻo, yếu ớt” – Cô Thân Thị Thu Hiến chia sẻ.
Từ thực trạng này, cô Hiến cho rằng, rất cần đổi mới cách dự giờ. Theo đó, chuyển từ quan sát giáo viên là chính sang quan sát học trò, để hỗ trợ đồng nghiệp mình “không bỏ rơi học sinh”, phát hiện những học sinh gặp khó khăn khi tiếp nhận kiến thức.
Đồng thời, thay đổi cách góp ý sau giờ dạy với tinh thần xây dựng tình cảm đồng nghiệp, tôn trọng, chia sẻ tối đa.