Bởi vậy, hướng dẫn để học sinh có kiến thức và kĩ năng tạo lập văn bản là khâu rất quan trọng trong việc nâng cao điểm số cho học sinh với môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia.
Dưới đây là những chia sẻ của cô Phạm Thị Kiều Oanh - Giáo viên Trường THPT Mỹ Tho (Nam Định) - giúp giáo viên, học sinh dạy học, ôn và làm bài thi đạt điểm cao đối với dạng bài văn nghị luận ý kiến bàn về văn học.
Bước 1: Giúp học sinh nhận dạng các kiểu bài thường gặp
Trong đề thi dạng bài ý kiến bàn về văn học, ý kiến thường được đặt trong ngoặc kép, câu dẫn thường là “Bàn về...”; “Nhận xét về...”... “Có ý kiến cho rằng...”. Kiểu bài này có hai dạng thường gặp là dạng đề đưa ra một ý kiến và dạng đề có hai ý kiến.:
Ví dụ đề bài văn nghị luận có một ý kiến như sau: Bàn về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, có ý kiến cho rằng: “Một trong những điểm nhất quán của Nguyễn Minh Châu trước và sau năm 1975 chính là hành trình đi tìm kiếm hạt ngọc ẩn dấu sâu trong tâm hồn của mỗi con người. Hạt ngọc ấy không lồ lộ nơi chớp bom, lửa đạn mà ẩn dấu trong vô vàn cát bụi thô nhám của cuộc đời...”. Từ nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” anh, (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Dạng đề bài văn nghị luận có hai ý kiến được chia làm hai kiểu nhỏ. Kiểu thứ nhất là hai ý kiến bổ sung cho nhau, ví dụ:
Về đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu, có người cho là “bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp”, có người lại cho là “khúc tình ca về ân tình cách mạng trong 15 năm ấy”. Từ việc phân tích đoạn trích, hãy bình luận các ý kiến trên.
Kiểu thứ hai là có hai ý kiến trái chiều, ví dụ: Về việc Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: “Đó là cách để khẳng định danh tiếng và trả ơn mấy bữa rượu thịt”; ý kiến khác lại nhận thấy: “Đó là cách để tạ lòng tri kỉ”. Ý kiến của anh, (chị )?
Bước 2: Hướng dẫn học sinh đọc kĩ đề, xác định nội dung nghị luận, các thao tác lập luận cần sử dụng, gạch chân những từ ngữ quan trọng.
Bước 3: Hướng dẫn học sinh giới thiệu tác giả, tác phẩm, nội dung nghị luận
Lưu ý: Giáo viên cần nhắc nhở học sinh đảm bảo nguyên tắc mở bài ngắn gọn, đúng, trúng. Đối với dạng đề cho ý kiến, dứt khoát phải giới thiệu được ý kiến đó vào trong mở bài.
Giáo viên có thể nhắc lại cho học sinh một số cách mở bài trực tiếp, gián tiếp (bằng một liên tưởng tương đồng, tương cận, đối lập, bằng một ấn tượng, ...). Phần này, giáo viên có thể xem lại SGK Làm Văn 12 cải cách.
Bước 4: Hướng dẫn học sinh giải thích ý kiến (nếu cần)
Việc giải thích thường phải bắt đầu bằng giải thích ngôn từ, hình ảnh. Với dạng đề hai ý kiến trái chiều: Giải thích ý kiến mà học sinh đã lựa chọn là đúng.
Bước 5: Hướng dẫn học sinh khẳng định ý kiến cá nhân
Với dạng đề hai ý kiến bổ sung: Thường cả hai ý kiến đều xác đáng, bổ sung cho nhau hoàn thiện vấn đề cần nghị luận
Dạng đề hai ý kiến trái ngược hẳn nhau bắt buộc người viết phải thể hiện được chính kiến của mình. Có nghĩa là trong hai ý kiến, chỉ có một ý kiến là xác đáng. Để giải quyết trường hợp này, không có cách nào khác, học sinh phải nắm vững, hiểu sâu tác phẩm và vấn đề nghị luận. Dùng những kiến thức mình có này để phản biện đề, chọn ra ý kiến đúng.
Ví dụ: Huấn Cao cho chữ là tạ một tấm lòng tri kỉ chứ không thể là trả ơn mấy bữa rượu thịt tầm thường và khẳng định danh tiếng; bi kịch tha hóa mới là tột cùng đau đớn chứ chưa phải là bi kịch vỡ mộng văn chương với nhân vật Hộ...
Bước 6: Hướng dẫn học sinh chứng minh ý kiến cá nhân
Lưu ý, với dạng hai ý kiến bổ sung, mỗi ý kiến hình thành một luận điểm. Tuy nhiên, trong mỗi ý kiến (mỗi luận điểm), giáo viên nên hướng dẫn học sinh hình thành hệ thống luận cứ.
Với học sinh, bài muốn hay, trước hết phải có ý. Ý càng phong phú, rõ ràng, càng dễ viết, khả năng làm chủ bài viết càng cao, tránh vo tròn thành một cục.
Bước 7: Hướng dẫn học sinh bàn luận ý kiến
Thông thường ở phần này học sinh sẽ khẳng định lại ý kiến, chỉ rõ ý kiến định hướng cho người đọc biết thêm những gì về nội dung cần nghị luận như: Tâm hồn nhân vật trữ tình, vẻ đẹp của nhân vật, phong cách hoặc quan điểm, tư tưởng sáng tác của nhà văn…).