Việc tổ chức các hoạt động dạy- học nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực cá nhân không còn là một vấn đề mới hiện nay. Tuy nhiên quá trình tổ chức các hoạt động dạy - học như thế nào cho hiệu quả và có thể phát huy được năng lực của người học , tạo điều kiện cho các em được chủ động, sáng tạo, được hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, được trải nghiệm thực tế ...thì rất cần sự thay đổi ở mỗi giáo viên.
Có rất nhiều phương pháp dạy học tích cực đã được các nhà nghiên cứu giáo dục đưa ra. Điều quan trọng là giáo viên linh hoạt tuỳ theo bài học, từng đối tượng để lựa chọn một phương pháp dạy học phù hợp.
Sau đây, tôi xin giới thiệu một phương pháp dạy học tích cực: “ Phương pháp thực đơn học tập”
Thực đơn học tập là một phương pháp học tập phân hóa. Để thực hiện phương pháp này giáo viên đưa ra cho học sinh một thực đơn các hoạt động học tập. Thực đơn học tập bao gồm nhiều yếu tố để học sinh có thể lựa chọn và có thể thiết kế với nhiều phong cách và phương tiện khác nhau.
Một số lưu ý khi sử dụng phương pháp
- Khi các giáo viên sử dụng phương pháp thực đơn học tập, họ thường cho học sinh lựa chọn từ danh sách 4 đến 6 kết quả cuối cùng. Mọi lựa chọn đều mang tính thử thách và yêu cầu một khoảng thời gian tương đương nhau để thực hiện
- Mặc dù có nhiều cách để đưa ra các lựa chọn cho HS, nhưng nhiều GV chọn cách sử dụng một thực đơn đồ ăn. Với phương pháp này học sinh sẽ phải chọn các nhiệm vụ bắt buộc và nhiệm vụ không bắt buộc.
+ Nhiệm vụ bắt buộc: Nhiệm vụ “ món chính”, nhiệm vụ “món phụ”, nhiệm vụ “món khai vị”
+ Nhiệm vụ không bắt buộc: Nhiệm vụ “ Món tráng miệng”, nhiệm vụ “ đồ uống”
Thực hiện
- GV chia nhóm, giao nhiệm vụ cho các nhóm
- Giáo viên phát cho mỗi nhóm một thực đơn học tập và các dụng cụ cần thiết
- Giáo viên quy định về thời gian cho các nhóm hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ
- Sau hoạt động nhóm để hoàn thành một thực đơn học tập, các nhóm treo kết quả hoạt động lên
- Đại diện các nhóm lên báo cáo kết quả
- Các nhóm nhận xét, góp ý, bổ sung cho nhau.
- Giáo viên nhận xét, kết luận về khả năng tham gia hoạt động nhóm của các cá nhân và của mỗi nhóm.
Áp dụng:
Có thể áp dụng vào các tiết luyện tập, ôn tập chương, ôn tập cuối kỳ, cuối năm...
Minh họa phương pháp thực đơn tại lớp 12A1
Tự chọn tuần 12: ôn tập polime và vật liệu polime
Phương pháp dạy học- Kỹ thuật dạy học áp dụng trong bài
Phương pháp thực đơn, Chia nhóm linh hoạt, Sơ đồ tư duy, Tường câu hỏi, Hoạt động thảo luận nhóm
Các hoạt động diễn ra
Hoạt động 1: Nêu mục tiêu của bài học
Hoạt động 2: Tóm tắt kiến thức của chương
-Các HS nộp sơ đồ tư duy theo tổ. Mỗi tổ cử đại diện một HS mang kết quả đã chuẩn bị ở nhà dán lên bảng và đại diện HS trình bày
- Các HS khác lắng nghe, nhận xét
- GV nhận xét, cho điểm
Hoạt động 3: Làm bài tập để ôn tập kiến thức
GV: Sử dung phương pháp thực đơn học tập để tổ chức cho HS làm bài tập về polime và vật liệu polime
Bước 1: GV chia lớp thành 8 nhóm
+ Bàn 1 (Từ STT 01-10): Nhóm 1 và 2 + Bàn 2 (Từ STT 11-19): Nhóm 3 và 4
+ Bàn 3 (Từ STT 20-28): Nhóm 5 và 6 + Bàn 4 (Từ STT 29-37): Nhóm 7 và 8
( Mỗi nhóm sẽ phải chọn 01 thực đơn không trùng với bàn của mình).
Bước 2: Giáo viên cung cấp cho mỗi nhóm HS một vài nguyên liệu (2 tờ A3, 1 hộp bút sáp màu, 1 lọ hồ dán, 1 cái kéo, 2 tờ giấy màu)
Bước 3: GV phát cho mỗi nhóm một thực đơn học tập
Bước 4: GV giao nhiệm vụ cho các nhóm để hoàn thành một thực đơn học tập về polime
+ Mỗi nhóm sẽ phải chọn một thực đơn học tập không trùng với các bạn cùng bàn của mình
+ Các nhóm sẽ thảo luận để hoàn thành sản phẩm trong thời gian 20 phút để trình bày sản sản của mình trên giấy A3, giấy màu,..( Tùy theo khả năng, sở thích của các nhóm)
+1 Yêu cầu: Mỗi nhóm sẽ phải hoàn thành 01 sản phẩm( thực đơn học tập) với đủ các món đã chọn theo yêu cầu, để mang lên trưng bày, thuyết trình và chấm điểm
+ Lưu ý về sản phẩm: Đúng thời gian Đủ và đúng nội dung, Hình thức đẹp
Bước 5: HS: Các nhóm hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian 20p
GV: quan sát các nhóm hoạt động, nhận xét và phát hiện thêm về khả năng của các em trong từng nhóm( khả năng vẽ, tính toán, trình bày biểu bảng, đạo diễn, hợp tác,...)
Bước 6: Hết giờ các nhóm cùng treo (hoặc dán) sản phẩm lên bảng để trưng bày cho cả lớp quan sát
Bước 7: + GV gọi đại diện các nhóm lên thuyết trình về sản phẩm của mình hoặc cho các nhóm xung phong thuyết trình.
+ HS còn lại lắng nghe, để nhận xét.
+ Đồng thời GV cũng phát thêm cho các HS những tờ giấy nhớ( màu vàng ) để các em có thể đặt thêm câu hỏi cho các nhóm khác, cũng như các câu hỏi muốn GV giải đáp giúp. Sau đó các em sẽ chuyển các câu hỏi lên tường câu hỏi để giải đáp.
+ Bước 8: GV nhận xét về kết quả các nhóm, bổ sung, chỉnh sửa và chấm điểm cho các sản phẩm.